Sáng 12-11, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận bản thảo Đề án "Nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam" (còn gọi là Quốc sử) gồm 25 tập Thông sử, 5 tập Biên niên sử với sự tham gia của gần 300 nhà khoa học, thực hiện trong 5 năm. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện các bộ, ban, ngành, nhà khoa học tham dự sự kiện.
Bộ Quốc sử gồm 25 tập Thông sử (trong đó, 13 tập Lịch sử Việt Nam thời kỳ cổ - trung đại, 12 tập thời kỳ cận - hiện đại) và 5 tập Biên niên sự kiện lịch sử (trong đó, 3 tập thời kỳ cổ - trung đại, 2 tập thời kỳ cận - hiện đại).
Đề án biên soạn bộ Quốc sử bắt đầu thực hiện từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện. Đề án đã huy động gần 300 nhà khoa học thuộc các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy lịch sử trên cả nước, tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.
Trong các chương trình về khoa học xã hội và nhân văn, đây là đề án đặc biệt lớn về quy mô, phạm vi nghiên cứu, nhận được sự quan tâm của giới học giả trong, ngoài nước và cả người dân. Đây cũng là đề án đầu tiên thực hiện việc xây dựng thể lệ biên soạn để bảo đảm sự thống nhất của công trình.
Thể lệ xác định rõ yêu cầu chung của công trình, mối quan hệ giữa các tập và quy định cụ thể về bố cục nội dung và các quy định trong cách trình bày của mỗi tập, bảo đảm ngay từ khi bắt đầu thực hiện, Ban Biên soạn của các đề tài cùng triển khai thống nhất.
Kinh phí thực hiện đề án được cấp bởi Quỹ Nafosted, thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.
Tại lễ tiếp nhận, đại diện các nhóm nghiên cứu đã báo cáo về quá trình thực hiện cũng như nội dung của từng nhiệm vụ trong đề án.
Thực hiện yêu cầu chất lượng được đặt lên hàng đầu, Ban Biên soạn đã tổng hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu của nền sử học Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kết quả nghiên cứu có giá trị của giới Việt Nam học quốc tế, bảo đảm tính khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật lịch sử; bản thảo được trình bày theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế, vận dụng phương pháp luận nghiên cứu hiện đại, “tái hiện và phân tích lịch sử dựa trên cơ sở tư liệu được thu thập và giám định”, nghiên cứu “điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái” khi phục dựng các sự kiện lịch sử, “quán triệt đặc điểm đa tộc người”, “bao quát lịch sử các cộng đồng cư dân, tộc người, vương quốc đã từng tồn tại trên không gian lãnh thổ”....
Ban biên soạn đã thực hiện nghiêm túc tinh thần “Đây là bộ quốc sử mang tính quốc gia, chính thống, được nghiên cứu, biên soạn trong thời đại hiện nay, quán triệt, thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử dân tộc ta; kế thừa những bộ sử trước đây, tổng kết và nâng cao được toàn bộ kết quả nghiên cứu của giới sử học cả nước, tiếp thu có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các nhà sử học nước ngoài về lịch sử Việt Nam từ trước tới nay; đồng thời có những luận giải mới, những đánh giá phù hợp về những vấn đề khoa học lịch sử đang đặt ra”, “quán triệt sâu sắc quan điểm khoa học, biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể; tôn trọng sự thật lịch sử”...
Sau khi tiếp nhận bản thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức thẩm định chuyên gia, đánh giá nghiệm thu các đề tài thuộc đề án. Các đề tài tiếp tục điều chỉnh bản thảo theo ý kiến chuyên gia và kết luận của Hội đồng khoa học, đối chiếu giữa các tập Chính sử, Biên niên, để bảo đảm chất lượng biên soạn, tính thống nhất của bộ Quốc sử trước khi đưa vào biên tập xuất bản.
Tại lễ tiếp nhận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, bộ Quốc sử có ý nghĩa rất đặc biệt không chỉ về mặt khoa học mà còn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học lịch sử, các nhà khoa học thuộc các ngành khác nhau, các giới trong nước và quốc tế.
Dân tộc ta có bề dày lịch sử truyền thống anh hùng và văn hiến hết sức chú trọng quá khứ với đầy đủ trách nhiệm trước hiện tại, tương lai và với tổ tiên nhưng trải qua rất nhiều triều đại, hàng nghìn đời nhưng số bộ quốc sử còn lại không nhiều. Sau rất nhiều chuẩn bị, chúng ta đã có quyết định về một loạt nhiệm vụ, đề tài khoa học xã hội ở tầm quốc gia rất quan trọng là nghiên cứu, biên soạn, tiến tới xuất bản bộ Quốc sử, bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư và dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Phó Thủ tướng cho biết, những nhiệm vụ này, đặc biệt là đề án nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử, nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và chính thức được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận sự đóng góp của gần 300 nhà khoa học lịch sử, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cố giáo sư sử học Phan Huy Lê, cán cán bộ nghiên cứu, lưu trữ đã trực tiếp, gián tiếp tham gia hỗ trợ các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước trong quá trình nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử.
Sự quan tâm, góp ý của rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học, trí thức đã dành nhiều tâm sức nghiên cứu, đóng góp, bổ sung, kể cả góp ý và phản biện trong quá trình biên soạn.
Đến nay việc nghiên cứu, biên soạn bộ Quốc sử đã hoàn thành một bước rất quan trọng, cơ bản, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương, nghiêm túc, khoa học và cẩn trọng để chính thức nghiệm thu đề án ở cấp nhà nước. Các cơ quan hữu quan cùng nhau chuẩn bị các công việc cần thiết để có thể xuất bản bộ Quốc sử. Các đề án, đề tài khác như bộ Quốc chí, bộ Bách khoa thư, dự án Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông cần đẩy nhanh tiến độ nhằm hình thành những công trình đồng bộ, cùng nhau hợp thành những bộ phận quan trọng của khoa học xã hội và nhân văn. Đây là trách nhiệm của chúng ta đối với quá khứ, lịch sử, tổ tiên; là trách nhiệm với tương lai và ngay cả hiện tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.