(HNM) - Cứ đến mùa Vu Lan báo hiếu (tháng Bảy âm lịch), các chùa, cơ sở thờ tự và nhiều gia đình đều tổ chức cúng lễ, bày tỏ tấm lòng tri ân của người sống với người đã khuất.
Ni sư Thích Đàm Luyện, Văn phòng phân ban Ni giới Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chánh Thư ký hội Phật giáo, đại biểu HĐND quận Đống Đa, trụ trì chùa Huy Văn:
Nhân dân và phật tử đã thay đổi nhận thức
Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện việc đốt vàng mã không đơn giản như xưa chỉ là tiền, vàng giả bằng giấy, mà thay bằng những thứ của thời hiện đại như nhà lầu, xe hơi, điện thoại, tiền đô la... Nhiều gia đình đã bỏ tiền triệu, thậm chí vài chục triệu đồng mua đồ mã để cúng lễ rồi đốt gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Nhưng từ khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành Công văn số 031/CV-HĐTS ngày 12-2-2018, trong đó có nội dung về việc loại bỏ hủ tục đốt vàng mã tại các chùa chiền, giới tăng ni tích cực hướng dẫn nhân dân, phật tử không đốt vàng mã tại cơ sở thờ tự, cộng thêm sự quan tâm phối hợp của MTTQ, các đoàn thể, chính quyền, việc đốt vàng mã giảm nhiều.
Đốt vàng mã không chỉ lãng phí mà còn ảnh hưởng tới môi trường. |
Tại chùa Huy Văn, nhà chùa dùng lời dạy của Phật về nhân quả, làm lành lánh dữ, hành thiện tích phúc để được đời sống an vui tốt đẹp mới là báo hiếu tổ tiên, chứ không phải đốt vàng mã là báo hiếu. Việc giáo hóa, phân tích, tuyên truyền, vận động nhân dân được nhà chùa làm thường xuyên trong những buổi giảng pháp, chương trình hành lễ hay công tác phật sự; "mưa dầm thấm lâu", khi hiểu ra, hầu hết phật tử và nhân dân thay đổi nhận thức, không còn mang vàng mã vào chùa.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Tây Hồ Nguyễn Thục Lương:
Tuyên truyền vận động, giám sát việc đốt đồ mã
Địa bàn quận Tây Hồ có 18 chùa và hàng trăm di tích, cơ sở thờ tự thường có đông du khách tham quan, hành lễ. Nhận thức rõ việc phổ biến chủ trương không đốt đồ mã là việc cần sự phối hợp, đồng thuận và liên tục nên từ hơn hai năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch và gần đây nhất trong chương trình phối hợp thống nhất hành động của Ủy ban MTTQ quận với Ban Trị sự Phật giáo quận, tuyên truyền, vận động nhân dân khi đến lễ các chùa, đình, đền, miếu, phủ không đốt vàng mã... Trưởng ban Công tác Mặt trận tại địa bàn dân cư với vai trò trưởng ban lễ tang, thành viên các ban lễ hội tích cực tập hợp, tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện bỏ hủ tục đốt vàng mã. Trong dịp tháng Bảy âm lịch này, MTTQ quận đã hướng dẫn MTTQ các phường, các ban công tác Mặt trận phối hợp với các sư trụ trì, các tiểu ban quản lý di tích tại các cơ sở thờ tự bảo đảm an toàn cho mọi người đến lễ, hạn chế tối đa việc đốt vàng mã.
Bà Trần Thị Thu Hoa (phường Hàng Bún, quận Ba Đình):
Vừa tốn kém, vừa mất an toàn
Tôi nhận thấy việc đốt đồ mã là hủ tục cần loại bỏ hoàn toàn. Kinh Phật không dạy việc đốt đồ mã để cúng lễ cho người quá cố là báo hiếu, tri ân, nên tôi thiết nghĩ đây là việc làm mang tính tín ngưỡng do người dân tự lập ra và lưu truyền. Thực chất, việc đốt vàng mã, đồ mã kéo theo nhiều hệ lụy, tác động trực tiếp xấu trong xã hội. Đó là sự tốn kém, lãng phí không đáng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng do nguy cơ cháy, nổ từ lò đốt đồ mã luôn rình rập.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội (VHTT) Bùi Thị Thu Hiền:
Các điểm di tích không còn hiện tượng đốt vàng mã
Việc hạn chế đốt vàng mã tại các chùa, tổ đình, cơ sở thờ tự và điểm di tích lịch sử đã được ngành Văn hóa triển khai trong nhiều năm qua. Trong các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội, di sản, Sở VHTT luôn lưu ý các địa phương, ban quản lý, các trụ trì hạn chế việc để nhân dân, phật tử đốt vàng mã tại nơi thờ tự. Sau khi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Văn bản số 031/CV-HĐTS, Bộ VHTT&DL có Công văn số 669/CV/BVHTTDL- VHCS ngày 27-2-2018 về việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã, Sở VHTT Hà Nội đã đưa nội dung này vào các văn bản triển khai công tác lễ hội trên địa bàn toàn thành phố.
Qua triển khai thực hiện, chúng tôi vui mừng nhận thấy rất nhiều ý kiến tán thành với đề xuất này và tích cực thực hiện. Số đông người dân có tín ngưỡng thừa nhận việc đốt vàng mã là phong tục xưa, gây lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ… Vì thế, mọi người hiểu rằng, việc hạn chế, tiến tới bỏ việc đốt vàng mã là cần thiết. Thực tế, pháp luật cũng đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, như Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức phạt đối với hành vi đốt vàng mã tại lễ hội, di tích lịch sử văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 đến 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện tượng đốt vàng mã vẫn tồn tại do đây là một quan niệm dân gian có từ lâu đời, nên khó có thể bỏ ngay, cần phải có thời gian tuyên truyền, vận động liên tục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.