Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bỏ hủ tục đốt vàng mã là cần thiết, đúng đắn

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 24/02/2018 06:46

(HNM) - Như tin đã đưa, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa ban hành Công văn 31/CV-HĐTS gửi 18.000 cơ sở thờ tự Phật giáo trên cả nước, đề nghị các tăng ni trụ trì các chùa hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con bỏ tục đốt vàng mã.

Việc cấm đốt vàng mã phải bắt đầu từ thay đổi ý thức của người dân.


Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Giáo hội Phật giáo TP Hà Nội: Đốt vàng mã là mê tín dị đoan

Đốt vàng mã là một tục lệ của dân gian, không phải bắt nguồn từ nhà Phật. Trong Tam Tạng Kinh của nhà Phật, không nội dung nào đề cập vấn đề này và qua các thời kỳ Chư Tổ Phật giáo Việt Nam, cũng không đốt vàng mã. Do đó, việc đốt vàng mã là mê tín dị đoan. Trên cơ sở đó, cộng với tinh thần Công văn 31/CV-HĐTS của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo tôi trước tiên chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, giáo dục cho Phật tử hiểu rằng tục đốt vàng mã không phải chánh pháp, đức Phật cũng không dạy điều đó. Là Phật tử, làm như vậy là không đúng nên cần phải hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.

Quan tâm đến người quá cố là cách mang lại hạnh phúc cho người đang sống. Suy nghĩ đó là tốt, thể hiện tình cảm giữa người sống và người chết, duy trì truyền thống văn hóa của gia tộc, nhưng cần thể hiện sự quan tâm một cách tích cực hơn, chẳng hạn như dùng số tiền mua vàng mã để làm việc thiện. Tuy nhiên, việc loại bỏ tục đốt vàng mã cần được làm từng bước, bởi đây là tục lệ có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Thế Hoàng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, kiêm Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa đình - chùa - Bia Bà (quận Hà Đông): Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân

Loại bỏ đốt vàng mã tại các nơi thờ tự Phật giáo và nhìn rộng hơn là ở các đình, đền... sẽ đem lại nhiều lợi ích, vừa giảm chi phí cho các tổ chức, cá nhân khi mua vàng mã thắp hương, giảm ô nhiễm môi trường khi đốt và hạn chế nguyên nhân gây cháy nổ tại nơi thờ tự. Tại Khu di tích lịch sử văn hóa đình - chùa - Bia Bà, hằng năm UBND phường đều có văn bản giao Ban Quản lý di tích đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của phường về việc cấm bày mã lớn và nhiều mã tại khu di tích. Đến nay việc này cơ bản không còn. Tuy nhiên, để loại bỏ ngay việc đốt vàng mã tại nơi thờ tự là điều không dễ làm trong một sớm một chiều vì việc mua vàng mã thờ tự và đốt vàng mã đã ăn sâu vào tiềm thức của các tầng lớp nhân dân từ bao đời nay. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, chính quyền các cấp, đặc biệt là các nơi thờ tự cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không mua và đốt vàng mã.

Bà Nguyễn Thị Tính - Tổ 19, phường Thượng Thanh (quận Long Biên): Bắt đầu từ ý thức người dân

Là người yêu đạo Phật và thường xuyên đi chùa, nhưng từ nhiều năm nay gia đình tôi đã bỏ tục đốt vàng mã do nhận thấy sự lãng phí. Theo quan niệm của người Việt, sau khi chết, con người cũng có một đời sống riêng, với những nhu cầu sinh hoạt như trên dương thế. Vì vậy, nhiều gia đình bày tỏ sự thương tiếc, chăm lo cho người đã khuất bằng cách sắm sanh vàng mã, nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại… Đây là quan niệm sai lầm bởi ông bà, tổ tiên hoàn toàn không “nhận” được bất cứ thứ gì người dương gửi. Tuy chưa có con số chính thức, nhưng theo một số thông tin tôi biết, ước tính mỗi năm người dân Việt Nam đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, hàng nghìn tỷ đồng hóa khói, những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ lớn trong số này.

Chính phủ đã có Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định mức phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng cho các hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng, tuy nhiên việc xử phạt hầu như chưa được thực hiện. Để bãi bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã, tôi nghĩ mỗi người dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm, dùng chính khoản tiền sắm sanh vàng mã vào việc công đức, làm từ thiện. Những nơi thờ tự cần dẹp bỏ những đài hóa vàng, có biển hướng dẫn Phật tử đến lễ chùa không mua sắm, không đốt vàng mã. Chính quyền địa phương nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này cần vận động, hướng đến cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã.

Bà Nguyễn Thị Nga - số 11 Hàng Cót, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm): Đốt vàng mã là lãng phí

Tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lý vì đốt vàng mã là sự lãng phí lớn về tiền của và công sức của người dân. Tôi từng chứng kiến nhiều người chi hàng chục triệu đồng để mua ô tô, nhà lầu, vàng mã... đến dâng lễ và đốt. Cũng thật đau lòng khi có nhiều vụ cháy tại một số quầy hàng bán vàng mã khiến nhiều người kinh doanh lân cận bị vạ lây, gây thiệt hại rất lớn. Tôi thường đi lễ chùa và nhận thấy việc đốt vàng mã đang được người dân dần thay đổi. Ngoài hạn chế lãng phí về tiền của, việc này còn giúp tránh ô nhiễm môi trường. Vì thế, việc cấm đốt vàng mã nên thực hiện để thay đổi dần suy nghĩ vốn ăn sâu trong tiềm thức của người dân, bước đầu cần xóa bỏ các cửa hàng bán vàng mã tại khu vực thờ tự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bỏ hủ tục đốt vàng mã là cần thiết, đúng đắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.