Bộ GTVT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Theo đó, Bộ GTVT xem taxi công nghệ là taxi và phải được quản lý như loại hình taxi.
Hoạt động của các hãng taxi công nghệ cần được quản lý như taxi truyền thống để tạo sự công bằng và bình đẳng trong kinh doanh vận tải hành khách. |
Ngày 5-10 vừa qua, Bộ GTVT đã có báo cáo số 11251 /BGTVT-VT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý và hoàn thiện lại dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP. Theo báo cáo này, Bộ GTVT đưa ra quan điểm cần có quy định chung để quản lý như nhau đối với xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng hợp đồng vận tải điện tử nhằm đảm bảo sự công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh như nhau. Bởi trên cơ sở hiện trạng hiện nay về hoạt động vận tải hành khách của loại hình này so với hoạt động của xe taxi có nhiều điểm tương đồng.
Bộ GTVT đồng thuận với ý kiến đề xuất quản lý của các cơ quan như: Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Taxi Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, đại diện nhóm phóng viên làm báo về giao thông... Theo nội dung góp ý đề xuất, hoạt động của Grab, Uber cần có các quy định chặt chẽ, chịu sự quản lý như taxi và không thể gọi đó là loại hình “Hợp đồng điện tử” để làm phát sinh thêm loại hình vận tải gọi là “Hợp đồng điện tử” mà không có trong quy định của Luật giao thông đường bộ.
Với quan điểm này, việc quản lý xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải hành khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý như xe taxi và bổ sung làm rõ khái niệm về kinh doanh xe taxi. Theo quy định này thì xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ không được thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, tức bỏ quy định xe taxi điện tử.
Cũng theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 3-10 trước đó, điểm đáng chú ý là thuật ngữ taxi đã được điều chỉnh để bao hàm loại hình taxi công nghệ.
Dự thảo cũng quy định, trước ngày 1-7-2019, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi theo quy định tại Nghị định này.
Góp ý đối với Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, Hiệp hội Taxi Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng nêu ra một số nội dung cần sửa đổi, bởi xét về bản chất xe hợp đồng điện tử chính là xe taxi.
Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, đối với xe ô tô hợp đồng dưới 9 chỗ, Sở đang ban hành chính sách quản lý vận tải hành khách bằng xe taxi như: Quản lý phạm vi, số lượng, nhận diện phương tiện, bao gồm dịch vụ taxi sử dụng công nghệ, phù hợp với thực tiễn đô thị; hạn chế số lượng phương tiện ô tô đăng ký mới; kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình. TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, coi ôtô từ 9 chỗ trở xuống là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi để quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.
Cũng theo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, chuyên gia giao thông, báo cáo trên của Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ không những phù hợp với quy định của pháp luật mà còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Theo đó, quá trình hoạt động của taxi công nghệ lẫn truyền thống chỉ khác nhau tên gọi còn bản chất hoạt động như nhau. Do đó, quan điểm lẫn tư duy của Bộ GTVT lần này đã đổi mới đối với Dự thảo trên, sau khi đã tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương, các chuyên gia…, cũng như thấy rõ bản chất hoạt động thực tế của 2 loại hình taxi này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.