Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ GD-ĐT "siết" tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

Ngân Hạ| 10/04/2017 14:39

(HNMO) - Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ do Bộ GD-ĐT vừa ban hành sẽ có hiệu lực từ ngày 18-5 tới. Quy chế này nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay.

Đồng thời, quy chế cũng nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch toàn bộ quá trình đào tạo tiến sĩ nhằm tạo lập niềm tin của xã hội, của nhà tuyển dụng, người sử dụng lao động về chất lượng tiến sĩ sau khi tốt nghiệp.

Tuyển sinh tiến sĩ  tổ chức từ một đến nhiều lần trong năm

Quy chế mới có cấu trúc ngắn gọn, là những quy định khung (quy định tối thiểu), trên cơ sở đó, các cơ sở đào tạo tiến sĩ phải xây dưng quy định chi tiết phù hợp với điều kiện của từng trường, với yêu cầu cụ thể của từng ngành đào tạo nhưng không được thấp hơn những quy định của quy chế này để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống cũng như "danh tiếng, tên tuổi" của từng cơ sở đào tạo trong tuyển chọn, đào tạo và cấp bằng tiến sĩ.

Quy chế mới đã thay đổi những quy định về người dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên, người hướng dẫn, tuyển sinh, quy trình tổ chức đào tạo, bảo vệ luận án tiến sĩ, gia hạn, thẩm định và cấp bằng so với những quy định của các quy chế trước, tạo điều kiện cho việc quản lý và giám sát quá trình đào tạo của cơ sở đào tạo các các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo hướng cải cách hành chính, giảm nhiều thủ tục rườm rà, những quy định mang tính hình thức, giảm thiểu thủ tục hành chính.

Bên cạnh quy định thủ trưởng cơ sở đào tạo tiến sĩ được quyết định lựa chọn phương thức tuyển sinh phù hợp (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai) hay việc tuyển sinh tiến sĩ giờ có thể tổ chức từ một đến nhiều lần trong năm, quy chế mới đã nâng cao những quy định về trình độ ngoại ngữ, minh chứng về khả năng, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, giảng viên và người hướng dẫn so với những quy định trước đây.

Trình độ ngoại ngữ đầu vào đạt chuẩn nhất định

Ở quy chế này, ngoại ngữ được xác định là công cụ hỗ trợ không thể thiếu cho nghiên cứu sinh trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ứng viên dự tuyển phải có trình độ ngoại ngữ đầu vào (đặc biệt là tiếng Anh) đạt chuẩn ở mức độ nhất định để bảo đảm có thể nghiên cứu, tham khảo tài liệu của nước ngoài trong quá trình học tập, nghiên cứu khoa học và hoàn thiện luận án.

Ngoài ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải công bố kết quả nghiên cứu của luận án trong các tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc trong các tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.

Về tiêu chuẩn của giảng viên và người hướng dẫn, quy chế mới quy định giảng viên giảng dạy các học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên hoặc đã và đang tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp bộ trở lên; còn người hướng dẫn phải đã hoặc đang chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở trở lên.

Minh chứng về nghiên cứu khoa học của người hướng dẫn còn phải thể hiện ở việc họ là tác giả chính của các bài báo hoặc công trình công bố trong các tạp chí thuộc danh mục các tạp chí ISI -Scopus hoặc một chương sách tham khảo có mã số ISBN của các nhà xuất bản nước ngoài phát hành hoặc trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

Quy chế cũng quy định người hướng dẫn độc lập phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc là nhà khoa học người nước ngoài, nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo. Mỗi nghiên cứu sinh sẽ có tối đa hai người hướng dẫn, trong đó ít nhất phải có một người là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tiêu chuẩn người hướng dẫn chính và người hướng dẫn phụ cũng được quy định rõ trong trường hợp đồng hướng dẫn.

Sao chép, trích dẫn sẽ bị thu hồi bằng tiến sĩ

Quy chế quy định, các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nghiên cứu sinh có quyền khiếu nại, tố cáo về những vi phạm trong tuyển sinh, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ.

Bộ GD-ĐT thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo trình độ tiến sĩ của các cơ sở đào tạo theo quy định.

Trong trường hợp phát hiện có vi phạm trong tuyển sinh, tổ chức và quản lý hoạt động đào tạo, đánh giá luận án và cấp bằng tiến sĩ, Bộ GD-ĐT có văn bản yêu cầu cơ sở đào tạo xử lý hoặc trực tiếp xử lý theo thẩm quyền.

Việc thu hồi bằng tiến sĩ được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp như: Gian lận trong hồ sơ dự tuyển khiến người được cấp bằng không còn bảo đảm điều kiện dự tuyển và điều kiện công nhận nghiên cứu sinh; Sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận án mà nếu cắt bỏ những nội dung đó thì luận án không đáp ứng yêu cầu quy định; luận án không được Hội đồng thẩm định thông qua.

Trong trường hợp nghiên cứu sinh bị phát hiện có những vi phạm khác thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, tạm ngừng học tập, đình chỉ học tập đến truy cứu trách nhiệm hình sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT "siết" tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.