Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ GD-ĐT: Chưa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

Vũ Vân| 02/08/2013 06:09

(HNM) - Chiều tối 1-8, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí để thông báo ý kiến chính thức của Bộ về thông tin được dư luận quan tâm là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Bộ GD-ĐT đã và đang tổ chức nghiên cứu và đưa định hướng đổi mới các kỳ thi - công nhận tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH vào đề án "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo Việt Nam", cũng như đề án đổi mới chương trình và SGK sau năm 2015. Sau khi các đề án này được thông qua, phê duyệt, Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án đổi mới thi để xin ý kiến. Như vậy, có thể được hiểu kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ vẫn được tổ chức.

Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại Hội đồng thi Trường THCS Trưng Vương.
Ảnh: Viết Thành


Không thi không học?

Dù cùng ngày 31-7 có hai sự kiện quan trọng liên quan đến sự nghiệp trồng người, đó là các thành viên Chính phủ bàn góp ý với đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đề cập đến những vấn đề căn cơ, cốt lõi, mang tính chiến lược của nền giáo dục nước nhà và Mặt trận Tổ quốc lấy ý kiến góp ý về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, nhưng thời sự giáo dục cuối tuần qua lại nóng lên bởi đề tài "bỏ thi tốt nghiệp". Điều đó cho thấy, thi cử luôn là vấn đề mang tính xã hội, được toàn dân quan tâm. Trong quá trình giáo dục, kiểm tra, đánh giá, trong đó có hình thức tổ chức thi, là một khâu quan trọng, nếu không nói là quan trọng nhất bởi nó sẽ điều chỉnh cách dạy và học, thậm chí quyết định tới chất lượng giáo dục. Chính vì thế, mỗi một giải pháp liên quan đến chuyện thi càng cần phải được cân nhắc thấu đáo. Cũng vì thế, Bộ GD-ĐT ngay lập tức bày tỏ chính kiến trước thông tin Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nêu vấn đề đề nghị ngành giáo dục suy nghĩ, nghiên cứu và trả lời có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không tại cuộc họp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và đây là việc làm có trách nhiệm, kịp thời.

Khẳng định vai trò của kỳ thi tốt nghiệp duy nhất còn lại trong 12 năm học phổ thông này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, kỳ thi không chỉ đem lại kết quả để quyết định học sinh đỗ hay trượt mà còn có tác dụng khuyến khích, tạo động lực cho người học phấn đấu để tiến bộ; cung cấp cho giáo viên, nhà quản lý những thông tin phản hồi hữu ích để điều chỉnh quá trình dạy học và quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục. Vì quan trọng như vậy nên thi tốt nghiệp thế nào để đạt các mục tiêu đề ra là vấn đề không đơn giản, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Bộ GD-ĐT cũng đã có nhiều cố gắng để tổ chức kỳ thi này tốt hơn, tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thẳng thắn thừa nhận, kỳ thi này ở nước ta chưa được như mong muốn.

Dù lãnh đạo ngành không đề cập tới nhưng trên thực tế, học để thi đã trở thành nếp nghĩ và phương châm hành động của người dạy, người học. Trước kia, kết thúc mỗi cấp học đều có một kỳ thi. Đây là hoạt động nhằm đánh giá việc đáp ứng mục tiêu giáo dục của học sinh sau mỗi cấp học, là cơ sở để nhà trường và giáo viên điều chỉnh việc dạy và học cho hiệu quả, đồng thời giúp các cấp quản lý triển khai các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Thực tế của việc bỏ hai kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS đã chứng minh, không có một kỳ thi sau mỗi cấp học cũng mang lại những hệ lụy không mong muốn.

Rõ ràng, cả về lý luận lẫn thực tiễn, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT là việc chưa nên làm trong thời điểm hiện tại.

Chưa thể phân cấp

Không bỏ thi nhưng cải tiến thế nào cho gọn nhẹ, hiệu quả mà vẫn đạt được các mục tiêu, yêu cầu của kiểm tra, đánh giá là câu hỏi đang được dư luận quan tâm. Vẫn biết, thi cử là vấn đề khó, bởi nó không đơn thuần mang tính kỹ thuật mà còn mang tính xã hội rất lớn. Muốn cải tiến thì cần giải quyết đồng bộ các yếu tố cơ bản khác của chương trình giáo dục như mục tiêu, nội dung, phương pháp và phải có lộ trình, trên cơ sở nghiên cứu một cách thận trọng. Nhưng, trong giai đoạn chờ đợi một sự đổi mới căn bản và toàn diện như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói, ít nhất là đến hết năm 2015, có thể có một phương án khả thi hơn không ?

Hai phương án xét tốt nghiệp và phân cấp cho các địa phương tổ chức kỳ thi này đã được trao đổi trong cuộc họp chiều 1-8. Về phương án xét tốt nghiệp, quan điểm của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là nếu thi tốt nghiệp đỗ 98% và xét tốt nghiệp cũng 98% thì kết quả thi thực chất hơn. Trong điều kiện hiện nay, đây là một nhận định thẳng thắn và đúng đắn. Về phương án phân cấp cho các địa phương để mỗi tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm nhiều hơn về kỳ thi này, hơn nữa tránh được tình trạng "thi đua" theo một thước đo chung, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, cũng chưa thể vì hiện chưa xây dựng xong ngân hàng câu hỏi thi. Ông Nguyễn Vinh Hiển phân tích, với cách tổ chức như hiện nay, trên thực tế Bộ GD-ĐT chỉ còn đảm trách hai khâu: Ra đề và thanh, kiểm tra. Dù địa phương có tự tổ chức thi thì Bộ vẫn phải thanh, kiểm tra. Nhưng giao cho địa phương tổ chức thi mà để các tỉnh, thành tự ra đề thì Bộ chưa yên tâm và kỳ thi tốt nghiệp khi ấy cũng không đạt được các mục tiêu đề ra.

Tiếp tục tổ chức một kỳ thi gây tranh cãi về hiệu quả của nó, Bộ GD-ĐT đã thể hiện quan điểm: Không nên không quản lý được thì bỏ. Quan điểm đúng đắn và có trách nhiệm với chất lượng nhân lực của đất nước này cần được thể hiện bằng những giải pháp quản lý hữu hiệu hơn là điều mà dư luận vừa trông mong, vừa đòi hỏi ở Bộ GD-ĐT.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ GD-ĐT: Chưa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.