(HNM) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) với nhiều điểm mới, những thay đổi đáng chú ý so với các năm trước. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thí sinh có quyền đăng ký không giới hạn số nguyện vọng, các trường được tuyển sinh nhiều đợt trong năm và bãi bỏ ngưỡng điểm sàn.
Tạo thuận lợi cho thí sinh
Thay đổi có lợi nhất cho thí sinh trong dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2017 là được tùy ý quyết định số nguyện vọng đăng ký vào các trường. Số nguyện vọng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Trong đợt xét tuyển đầu tiên, đối với các trường, ngành, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.
Ví dụ, ngành X có điểm chuẩn là 18 thì tất cả thí sinh đã đăng ký vào ngành này đạt điểm từ 18 trở lên đều nằm trong danh sách trúng tuyển, dù đó là nguyện vọng thứ mấy. Tuy nhiên, thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách những nguyện vọng đã đăng ký.
Ngoài ra, dự thảo Quy chế cho phép thí sinh thực hiện đăng ký trước khi thi và cùng lúc làm thủ tục dự thi. Sau khi có kết quả, thí sinh được phép thay đổi nguyện vọng trong thời gian quy định. Như vậy, thí sinh có thêm thời gian cân nhắc lựa chọn nguyện vọng. Việc điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi được thực hiện trực tuyến với tài khoản và mã số thí sinh được cấp khi đăng ký dự thi, thí sinh không phải gửi hồ sơ qua bưu điện hay đến nộp tại trường.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả thi THPT là một tiến bộ trong đổi mới tuyển sinh, vừa giúp thí sinh chọn được nguyện vọng phù hợp vừa giảm áp lực thời gian cho việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu. Để giảm thiểu khó khăn cho các trường do không thể biết thí sinh trúng tuyển những trường nào, Bộ cho biết sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để các trường thực hiện thống kê nguyện vọng của thí sinh nhằm lọc ra danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức.
Quy trình xét tuyển được thực hiện như sau: Sau khi hết thời hạn thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, các trường khai thác thông tin (của trường - nhóm trường mình và của các trường - nhóm trường khác có liên quan) trên Cổng thông tin để dự kiến điểm trúng tuyển, dự kiến danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường - nhóm trường theo quy định. Sau đó, các trường - nhóm trường nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến trong thời gian quy định để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh dự kiến trúng tuyển nhiều nguyện vọng. Các trường - nhóm trường xem danh sách thí sinh trúng tuyển sau khi đã lọc "ảo" so với chỉ tiêu cần tuyển để điều chỉnh điểm trúng tuyển cho phù hợp. Các trường có thể điều chỉnh điểm trúng tuyển nhiều lần trong thời gian quy định để có được danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức (các thí sinh này chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất).
Tăng cường chất lượng tuyển sinh
Về ngưỡng bảo đảm chất lượng, hay còn gọi là điểm sàn, lâu nay được coi là điều kiện cần với thí sinh. Năm 2016, ngưỡng này đã được bãi bỏ ở bậc CĐ. Năm 2017, ngưỡng này dự kiến cũng được bãi bỏ cho bậc ĐH. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dự thảo Quy chế chỉ quy định điều kiện cần chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ do các trường quy định. Tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín…, các trường đưa ra quy định đầu vào khác nhau. Việc áp một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, ngành không còn phù hợp với xu thế đào tạo ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, các trường phải công bố công khai điều kiện đầu vào trong đề án tuyển sinh của trường.
Trước sự lo ngại về việc bỏ điểm sàn có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào, Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích: Hai năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT nhưng trên thực tế, các trường không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này. Năm 2016, dù vẫn có ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng có tới hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi có rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh ngày nay tính toán, chọn trường khá kỹ chứ không muốn chịu cảnh trường "chọn" mình.
Vì vậy, không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại, việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng. Do đó, các trường sẽ tự cân nhắc, xác định điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để bảo đảm chất lượng và xây dựng uy tín. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng đào tạo không còn tập trung ở đầu vào, mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo cho đến khi sinh viên tốt nghiệp.
Đề cao tinh thần tự chủ của các trường, năm 2017, dự thảo Quy chế tiếp tục cho phép các trường phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển. Bên cạnh đó, các trường được tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm thay vì một số đợt nhất định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.