Kinh tế

Bộ Công Thương "giữ vai trò chủ công" trong quản lý thị trường

Lam Giang 07/01/2025 - 19:15

Liên quan tới việc kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, tại họp báo thường kỳ quý IV-2024, chiều 7-1, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ "giữ vai trò chủ công" trong quản lý thị trường.

thai-nguyen-phat-hien-xu-ly-gan-2400-san-pham-thuc-pham-bao-goi-san-va-my-pham-nhap-lau.jpg

Bộ Công Thương giữ vững vai trò chủ công trong quản lý thị trường dù thay đổi mô hình hoạt động. Ảnh: Lưu Quyên

Theo bà Nguyễn Minh Phương, Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã quyết định kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường và chuyển giao cục quản lý thị trường tại các địa phương về UBND các tỉnh, thành phố.

Đồng thời, Bộ kiến nghị thành lập các chi cục quản lý thị trường thuộc sở công thương.

Nhiều năm qua, lực lượng này đã đạt được những kết quả ấn tượng, phát hiện và xử lý hàng nghìn vụ vi phạm lớn trên thị trường, từ gian lận trong kinh doanh xăng, dầu, khí hóa lỏng, phân bón, đường cát, thực phẩm chức năng, đến các vụ sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng.

Trong năm 2024, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra gần 68.300 vụ, xử lý 47.135 vụ vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm, tăng 2% so với năm trước.

Tổng thu nộp ngân sách nhà nước đã đạt hơn 541 tỷ đồng, tăng 8%; trị giá hàng hóa vi phạm là 425 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023.

Mặc dù mô hình tổ chức có sự thay đổi, nhưng lực lượng quản lý thị trường vẫn "giữ vững vai trò chủ công" trong kiểm tra, giám sát thị trường, bảo vệ quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Khi lực lượng quản lý thị trường được chuyển về địa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp duy trì và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái.

Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường sẽ có đủ công cụ và nguồn lực để xử lý các hành vi vi phạm triệt để và hiệu quả.

Triển khai các hệ thống công nghệ hiện đại để giám sát và theo dõi thị trường, giúp phát hiện và xử lý nhanh chóng các hành vi vi phạm, nhất là trong việc buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng.

Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường giám sát và kiểm tra những mặt hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao về hàng giả; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của hàng giả, hàng nhái...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương "giữ vai trò chủ công" trong quản lý thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.