Thị trường

Bộ Công Thương: Điều tiết hàng hóa từ các tỉnh tới vùng ngập lụt khi cần

Lam Giang 11/09/2024 - 14:09

Bộ Công Thương vừa thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa tới các địa phương bị lũ lụt sau bão số 3 tính đến 11h ngày 11-9, đồng thời yêu cầu điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương.

ktra-hang-hoa.jpg
Những ngày qua, Sở Công Thương Hà Nội tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo đảm nguồn cung hàng trên địa bàn. Ảnh: Đ.D

Theo đó tại Hà Nội, hệ thống bán lẻ và các chợ, nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn cơ bản được bảo đảm phục vụ người dân. Một số điểm bán trên địa bàn nằm trong khu vực ngập úng dẫn đến công tác vận chuyển hàng hóa chậm hơn so với thông thường.

Giá các mặt hàng rau, củ, quả có tăng giá do mưa. Ngoài ra, ngập úng cũng khiến rau bị hỏng và khó khăn trong công tác thu hoạch, vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam nên vẫn bảo đảm nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại Quảng Ninh một số địa bàn cơ sở vật chất bị hư hỏng do bão nhưng các đơn vị vẫn duy trì hoạt động. Hiện có 130/133 chợ, 11 siêu thị và 342 cửa hàng tiện lợi duy trì bán các mặt hàng thiết yếu.

Tỉnh Quảng Ninh vẫn đáp ứng nhu cầu cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, giá các mặt hàng cơ bản ổn định, trừ một số mặt hàng như rau xanh, thịt có mức tăng nhẹ từ 10-15% so với thời điểm trước bão.

Trên địa bàn thành phố Hải Phòng mưa lớn nhưng hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Tại các chợ nguồn cung lương thực, thực phẩm, rau củ quả dồi dào, nhu cầu mua sắm không có biến động nhiều (tăng 5-10% so với ngày thường). Tại các siêu thị, nguồn cung hàng hóa tăng 80-100% (chủ yếu đối với các mặt hàng thiết yếu). Do tâm lý lo ngại mua lũ kéo dài, từ chiều ngày 10-9, lượng người dân Hải Phòng vào mua sắm tại các siêu thị tăng đột biến (tăng trên 150-170% so với ngày thường). Mặt hàng mua nhiều gồm thịt, cá, rau xanh, các loại đồ ăn sẵn, bánh mỳ, lương khô, sữa, nước. Giá hàng hóa tại các siêu thị vẫn ổn định so với ngày thường, lượng hàng bán ra tăng mạnh từ 50-80% so với ngày thường.

Tại Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái vẫn có mưa nhưng nước đang rút dần. Tại một số địa bàn bị ngập lụt, chính quyền và các nhà hảo tâm vẫn cung ứng lương thực hằng ngày. Các hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn diễn ra bình thường, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu.

Riêng tại Hà Giang, xảy ra sạt lở khá nghiêm trọng nên tạm thời huyện Xí Mần không thể thông thương hàng hóa. Chính quyền địa phương đã kịp thời triển khai phương án khắc phục để lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu. Hoạt động thương mại trên địa bàn các huyện khác cơ bản diễn ra bình thường.

Bộ Công Thương cho biết, các khu vực bị ngập, lụt, chia cắt, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn, cung ứng các mặt hàng như nhu yếu phẩm như mỳ, lương khô, bánh mỳ, bánh chưng, nước uống đóng chai đến cho người dân.

Ngày 11-9, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc số 6969/CĐ-BCT về việc tập trung khắc phục hậu quả sau bão số 3 và mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét sau bão.

Trong đó, Bộ yêu cầu tổ chức triển khai Tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương chịu ảnh hưởng sau bão số 3 để trực tiếp nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ Công Thương: Điều tiết hàng hóa từ các tỉnh tới vùng ngập lụt khi cần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.