(HNM) - Cái thú chơi chim thả này nhìn thì chỉ thấy mở lồng cho bồ câu tung cánh, nhưng tìm hiểu mới thấy đó là cả một nghề chơi với không ít công phu.
(HNM) - Cái thú chơi chim thả này nhìn thì chỉ thấy mở lồng cho bồ câu tung cánh, nhưng tìm hiểu mới thấy đó là cả một nghề chơi với không ít công phu.
Hội phóng điểuKinh Bắc
Tương truyền lại, Hội thả chim bồ câu phát triển rực rỡ tại đất Kinh Bắc, mở rộng ra cả các vùng xung quanh. Truyền thống thả chim bồ câu được khôi phục và phát triển khá mạnh trên vùng quê Kinh Bắc và các vùng lân cận Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Vĩnh Phúc và nhiều địa phương khác. Hàng năm, 16-3 âm lịch, làng Đình Bảng lại tổ chức hội thi thả chim bồ câu ngay tại Đền Đô. Hà Nội thi vào kỷ niệm sinh nhật Bác tại hồ Hoàn Kiếm và thả vào dịp Quốc khánh tại Lăng Bác. Trong suốt cả năm với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của tiết trời đồng bằng Bắc bộ, cứ đến đầu hè, từ cuối tháng 2 đến hết tháng 5 âm lịch, trời trong mây cao, ít gió, các cụ mới tổ chức thi phóng điểu từng làng, từng vùng, năm nào cũng như năm nào.
Thời điểm “tháng tư đong đỗ nấu chè” thả chim bồ câu là thích hợp nhất. Loài chim bồ câu rất khôn, với đôi mắt tinh tường, chúng có thể nhận ra nhà của mình từ độ cao và khoảng cách hàng chục cây số. Khắc tinh của bồ câu chính là chim cắt. Nếu giữa Hội thả chim, trên trời chỉ cần xuất hiện bóng dáng một con chim cắt là cả Hội phóng điểu tan tác ngay lập tức. Vào thời điểm tháng tư âm lịch, tiết trời đã có những trận mưa rào nhiệt đới cũng là thời kỳ chim cắt thay lông, không thể cất cánh được. Hội thi phóng điểu an toàn hơn bao giờ hết.
Đàn chim thi hội phải cất cánh bay lên tăng dần độ cao, từ “nước hạ” khi còn nhìn rõ hình dạng chim; đến “nước trung” khi không trông thấy đuôi chim nữa (cụt đuôi); rồi đến “nước thượng” không còn thấy chim vẫy cánh (tắt vẫy), cả đàn chim trông chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay. Đàn chim chỉ biết bay xoáy theo một chiều như vòng hương sẽ bị dạt ra ngoài và mắc lỗi tiểu biên hoặc nặng hơn là đại biên và bị loại. Đàn chim muốn đoạt giải phải bay đẹp, tròn như cái mâm, không có con bay ra bay vào. Khi chim đạt đến nước thượng cũng chỉ bay trong phạm vị khu vực ngồi của “Trịch trong” và “Trịch ngoài”. Bay ở nước trung phải “đứng”, đến nước thượng phải nhanh và cao, đạt đến nước thượng rồi mới tìm về nhà (khứ). Để có được một đàn chim như vậy, phải chọn giống, rồi ghép để có được đàn chim biết bay vòng hẹp và “tròn nghịch”. Cả đàn bay theo xoáy tròn hai vòng lại bay xoáy ngược lại hai vòng, chim bay tròn nghịch bay được cao mà không bị chóng mặt. Luyện được một đàn chim từ nước hạ vượt nước “trung chính” lên nước “thượng chính” chỉ mất khoảng mười phút rồi mới “khứ” là cả một nghệ thuật của người chơi chim.
Người nuôi chim làng Quậy
Thôn Giao Tác, xã Liên Hà vốn trước kia thuộc đất Kinh Bắc, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội. Vùng đất này có cái tên Nôm “Anh Cả Quậy”. Vào ngày Hội Cổ Loa mùng 6 tháng Giêng hàng năm, kiệu rước của “Anh Cả Quậy” bao giờ cũng được Bát xã Loa Thành mời lên chiếu trên và các cụ bô lão làng Quậy được đọc Mật khẩn.
Ông Phạm Hoàng Đậu, thiếu tá QĐND, hiện nay là Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã là một người nuôi chim bồ câu thi hội cự phách. Kể cũng lạ, cụ thân sinh ra ông Đậu nuôi chim hội bao nhiêu năm nhưng lại chẳng giành được giải nào. Đến đời thiếu tá Phạm Hoàng Đậu, năm nào ông cũng giật giải, kinh nghiệm chơi chim của ông đã có tới 12 giải thưởng và vô cùng phong phú.
Theo những gì ông Phạm Hoàng Đậu biết được thì Hội phóng điểu phát triển rất mạnh ở đất Kinh Bắc từ thời nhà Lý. Các gia đình nuôi chim hội trước kia chủ yếu là nhà giàu, quan lại. Trước kia, Hội phóng điểu chỉ tổ chức vào tháng tư, nay tổ chức thêm vào tháng tám. Hội tháng tư mỗi đàn dự thi gồm 10 con chim bồ câu và được tham gia tự do. Hội thi tháng tám lại chỉ có 8 con song luật chơi rất chặt chẽ. Chim dự thi không được đánh dấu, không được đeo sáo, mỗi đàn chim tham gia phải nộp tiền góp giải. Hội tháng tám còn xét đàn chim nào giành được nhiều giải để trao thêm giải “Anh tài”.
Người thả chim cần phải có kinh nghiệm, thường trước khi mở lồng, người ta lấy quạt phẩy nhè nhẹ đánh thức chim dậy, cho chim quay đầu về một hướng lúc đó mở lồng cả đàn sẽ cùng cất cánh bay lên. Thả chim là một nghệ thuật, chấm điểm (trông) cũng là một nghệ thuật phức tạp khôngkém. Đàn chim khi được phóng phải cùng nhất loạt bay lên gọn thành một đàn không bị xé lẻ. Nếu đàn chim chao xuống rồi mới bay lên thì đàn chim đó phạm luật “hồi hạ” (nói vui là “đền trống”), trịch ngoài dồn trống liên tục và đàn chim đó bị loại ngay lập tức. Trịch trong không cần phải nhận đàn chim này nữa. Thả được 80 đàn, một người trịch trong sẽ ra dán kết quả để các chủ chim biết nhưng người này cũng không được quay lại khu vực trịch trong nữa. Khi đã vào sới, nhóm trịch trong sẽ bị tịch thu toàn bộ điện thoại di động cho đến khi cuộc thi kết thúc.
Phường chơi chim xã Liên Hà, huyện Đông Anh có tới hơn 60 người với khoảng 300 đàn chim. Theo ông Đậu một đàn chim bồ câu giỏi thường có một con chim “tướng” và cũng chỉ có người chủ nào tinh ý mới biết được đó là con nào trong đàn. Chọn giống chim ức phải nở, đuôi nhọn. Hình dáng “khí động học” này khiến cho chim bay giảm được tối đa sức cản của không khí, chim bay đàn đẹp, vòng hẹp, bốc nhanh. Chọn giống chim tốt là vô cùng quan trọng, có người đã từng bỏ ra đến 4-5 triệu đồng chỉ để mua được một con chim giống hay.
Sau Tết Nguyên đán, ông Đậu bắt đầu nhổ sạch lông cánh chim một cách cẩn thận, đến khi lông cánh nhú ra lại nhổ tiếp đến lông đuôi. Nếu không cho chim thay lông mới như thế, khi bay cao lông cánh sẽ bị gió thổi rụng. Khi chim đã “dày lông dày cánh”, người chủ bắt đầu thời gian “vực” chim vô cùng cầu kỳ. Cứ 11 giờ trưa, mặt trời đứng, gió ít, trời trong, ông Đậu lại đuổi cho chim bay. Khi đàn chim đã bay chụm được thành đàn thì bắt chim đi mở. Khi chim bay được cao, lại phải vần đi vần lại đủ cả bốn hướng cho chim nhớ được đường về. Với bàn tay của ông Đậu thì chỉ cần “vực” chim trong vòng 15 ngày là đàn chim của ông đã thượng, đủ sức đi thi hội. Đàn chim đi thi xa nhà đến mấy chục cây số cũngtìm được đường về nhà.
Đàn chim mang đi hội phải chọn những con khỏe, không chọn chim đang nuôi con, chim đang ấp hay chim sắp đẻ. Cả đàn chim mấy chục con, lựa ra 10 con đi thi hội, người nuôi phải biết được con chim tướng để mang theo dẫn đàn. Có đàn chim hay có thể mang thi hội tới 10-13 năm, đến khi nào chim chết mới thôi. Người nuôi chim đã vào sới, ngắm chim bay cả ngày không chán mắt. Rồi dịch cúm gia cầm xuất hiện, cả phường chim lo lắng vệ sinh chuồng trại, giữ cho đàn chim đi qua cơn đại dịch an toàn.
Lê Hồng Quang
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.