(HNM) - Thiếu nguồn nước cấp thường xuyên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dòng sông của Hà Nội trở thành “sông chết”, tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường, hoạt động sản xuất cũng như đời sống người dân… Vì vậy, việc bổ cập nước để hồi sinh các dòng sông được coi là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng.
Hệ lụy từ những dòng “sông chết”
Dù đang trong mùa mưa nhưng chất lượng nguồn nước của nhiều dòng sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy vẫn không được cải thiện. Chỉ tay về phía sông Nhuệ, bà Nguyễn Thị Hạnh, ở phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) cho biết: “Từ đầu năm đến nay, sông Nhuệ chỉ có khoảng 10 ngày đầy nước. Những ngày còn lại, nhiều đoạn sông có thể lội qua. Nhiều hàng quán ở đây phải đóng cửa vì dòng sông thường xuyên bốc mùi khó chịu…”.
Tương tự với sông Đáy, đoạn đi qua huyện Hoài Đức, quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ cạn trơ đáy, cỏ mọc gần kín lòng sông… Ông Nguyễn Văn Tuyến, ở xã Phụng Châu (huyện Chương Mỹ) nói: “Trước đây, đoạn sông này sâu lắm, nhiều gia đình vượt qua cữ giáp hạt bằng con tôm, con cá bắt được trên sông... Bây giờ thì lòng sông bị thu hẹp so với 10 năm trước khoảng 30m và chỗ sâu nhất ở đây cũng chỉ còn gần 1m…".
Còn ông Trần Ngọc Thống cũng ở xã Phụng Châu phản ánh: "Ngày trước, có nhà ở ven sông thì sướng, giờ đây quanh năm suốt tháng phải ngửi mùi hôi”.
Ngoài chuyện mất nguồn lợi thủy sản, ô nhiễm môi trường, sự suy kiệt nguồn nước còn khiến hàng trăm nghìn hộ dân ở các huyện: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa… sinh sống dọc sông Đáy phải đào giếng sâu hơn để lấy nước sinh hoạt...
“Huyện Chương Mỹ liên tục nhận được kiến nghị về xử lý tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước trên sông Đáy. Nhưng vì không đủ năng lực và thẩm quyền nên huyện đề nghị các cấp, ngành sớm có giải pháp bổ cập nguồn nước để hồi sinh dòng sông, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Cùng với đó, huyện cũng yêu cầu các xã có sông đi qua tăng cường tuyên truyền để nhân dân bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải, tình trạng suy kiệt nguồn nước các sông ở khu vực Hà Nội đã xảy ra từ nhiều năm trước và thành phố đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục như: Xây dựng hệ thống lấy nước từ sông Hồng bổ cập cho sông Đáy qua cống Cẩm Đình, sông Nhuệ qua cống Liên Mạc… Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và khai thác cát quá mức… nên những năm gần đây, lòng dẫn sông Hồng liên tục bị hạ thấp, không thể cấp nguồn thường xuyên cho sông Nhuệ, sông Đáy… Bên cạnh đó, do lượng mưa phân bố không đồng đều về phạm vi và thời gian trong năm nên Hồ Tây cũng không còn đủ lượng nước cấp ổn định cho sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu…
Nhiều đề xuất bổ cập nguồn nước
GS.TS Đào Xuân Học, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: “Để hồi sinh các dòng sông, giải pháp quan trọng nhất là bổ cập nguồn nước thường xuyên. Thiếu nước các dòng sông sẽ không thể tự làm sạch mà còn gây ra ô nhiễm. Cùng với đó, cần xử lý nguồn nước thải sinh hoạt đạt chuẩn rồi mới xả vào các dòng sông trên địa bàn thành phố...”.
Thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội đang tập trung triển khai nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước trên các sông bằng việc nạo vét lòng dẫn, kè bờ; xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt… Với việc bổ cập nguồn nước cho các sông, thành phố đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu và thời gian gần đây đã nhận được nhiều đề xuất. Trong đó có đề xuất đầu tư xây dựng trạm bơm dẫn nước sông Hồng cấp cho Hồ Tây để bổ cập nguồn nước cho sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu; đề xuất xây dựng Trạm bơm Liên Mạc lấy nước sông Hồng cấp cho sông Nhuệ; đề xuất xây dựng kênh dẫn lấy nước sông Tích (lấy nguồn sông Đà) để tiếp cho sông Đáy…
Đáng chú ý là đề xuất của kỹ sư thủy lợi Nguyễn Trường Duy, Tổng Thư ký Hội Cơ học Hà Nội. Cụ thể là cấp nước tự chảy cho sông Nhuệ, sông Đáy và Hồ Tây bằng nguồn nước sông Đà từ cống Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì. Theo ông Nguyễn Trường Duy, sông Đà có chất lượng nguồn nước tốt hơn sông Hồng, thỏa mãn các yêu cầu sản xuất nước sinh hoạt, tưới cây, rửa đường đô thị, chữa cháy, phát triển nông nghiệp hữu cơ… Đặc biệt, do địa hình sông Đà, đoạn từ cống Lương Phú, có thủy thế dốc lớn về phía nội thành nên hoàn toàn có thể dẫn cấp cho sông Tích, Đáy, Nhuệ, Hồ Tây và các sông trong khu vực nội thành bằng phương pháp tự chảy. “Nếu sử dụng giải pháp này, thành phố Hà Nội sẽ không phải đầu tư xây dựng và bố trí kinh phí thường xuyên để duy trì, vận hành hệ thống trạm bơm cấp nguồn cho các dòng sông nội thành mà chỉ phải đầu tư một lần xây dựng tuyến kênh trên trục phát triển kinh tế phía Tây Thăng Long…”, ông Nguyễn Trường Duy chia sẻ.
“Hiện nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đang gấp rút lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, cơ quan chuyên ngành về đề xuất bổ cập nguồn nước cho các dòng sông. Trên cơ sở đó, Sở NN& PTNT Hà Nội sẽ tham mưu thành phố xem xét, quyết định lựa chọn giải pháp bảo đảm tính khả thi và bền vững…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Với những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, chất chứa tình yêu Hà Nội và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, một ngày không xa, những dòng "sông chết" sẽ được hồi sinh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.