Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bộ ba tiểu thuyết về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài

Vân Lam| 08/10/2021 05:07

(HNMCT) - Nhắc đến Tô Hoài, hẳn độc giả sẽ nhớ ngay kho tàng văn chương gần 200 cuốn sách của nhà văn với nhiều tác phẩm về Hà Nội như “Người ven thành”, “Giăng thề”, “Chuyện cũ Hà Nội”, “Những ngõ phố, người đường phố”, “Cát bụi chân ai”... Trong đó, có bộ ba tiểu thuyết “Quê nhà”, “Quê người” và “Mười năm” được viết rải rác trong khoảng 40 năm từ những năm 1940 đến năm 1980.

Bộ ba tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài được NXB Kim Đồng tái bản nhân kỷ niệm 101 năm ngày sinh của nhà văn.

Đây là "bộ ba lắp ghép” bởi không chỉ được nhà văn viết trong khoảng thời gian khác nhau mà còn với cảm hứng và nhân vật, hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của các tác phẩm là cùng một mạch lịch sử của vùng quê Kẻ Bưởi, Nghĩa Đô, nơi Tô Hoài sinh ra, lớn lên và gắn bó nhiều năm.

Được viết muộn nhất nhưng lại là cuốn mở đầu của của bộ ba tiểu thuyết, là tác phẩm “Quê nhà” viết về một giai đoạn đầy biến động trên đất nước ta. Đó là khi thành Hà Nội bị chiếm đóng, quân viễn chinh Pháp cố mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các vùng xung quanh nhưng đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của dân chúng. Tô Hoài đã miêu tả sống động về những anh hùng nông dân đã dũng cảm đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Tác phẩm cuối cùng của bộ ba tiểu thuyết nhưng được Tô Hoài đặt bút viết đầu tiên là “Quê người”. Cuốn tiểu thuyết đã phác họa bức tranh phong tục ở một vùng nông thôn xưa kia với những hội hè đình đám, nếp ăn lối mặc, tục tảo hôn, chuyện đồng cốt một thời.

Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, “Quê người” của Tô Hoài “còn cho ta thấy biết bao cái giản dị và nên thơ của người dân quê Việt Nam - những người tuy phác thực mà rất mơ màng: Họ vốn là tác giả những câu ca dao bất hủ”. Khi quê hương bị giặc đánh chiếm, những người dân nơi vùng quê ấy phải chịu ăn đói mặc rét, tha hương nơi đất khách...

Tiếp nối mạch viết của “Quê người” là “Mười năm” - khái quát cả một thời kỳ lịch sử của vùng quê dệt cửi Nghĩa Đô qua nhiều chặng đường đấu tranh cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Với óc quan sát tinh tế và tỉ mỉ, trong bộ tiểu thuyết của mình, Tô Hoài tuy đề cập đến nhiều chặng đường đấu tranh nhưng tác phẩm nào cũng gắn chặt với sinh hoạt đời thường của người dân vùng quê ấy. Bởi thế, bộ ba tiểu thuyết này có thể xếp vào dòng tiểu thuyết lịch sử, lại có thể coi là tiểu thuyết phong tục.

Mới đây, NXB Kim Đồng đã tái bản bộ ba tiểu thuyết này để kỷ niệm 101 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài và hướng tới kỷ niệm 1011 năm Thăng Long - Hà Nội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bộ ba tiểu thuyết về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.