(HNMO)- Với sự đi lên của một số mã lớn như VNM, ITA, VIC, Vn-Index đảo chiều tăng hơn 3 điểm sau 2 phiên điều chỉnh vừa qua.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, ở đợt khớp lệnh đầu tiên, tiếp nối đà đi xuống Vn-Index đã bỏ mốc 490 điểm, xuống 487,99 điểm sau khi hạ 2,79 điểm (-0,57%). Khối lượng giao dịch ở mức thấp với chỉ 2,324 triệu đơn vị được sang tay, tương ứng giá trị 29,931 tỷ đồng.
Sang đợt khớp lệnh liên tục, lúc đầu, thị trường duy trì sắc đỏ nhưng sau đó chật vật mới xuất hiện sắc xanh, đạt 491 điểm nhưng rồi lại quay đầu đi xuống. Rất may, đến gần cuối phiên, một số cổ phiếu lớn tăng giá khá mạnh giúp chỉ số chung đảo chiều đi lên. Hết phiên buổi sáng, Vn-Index giành lại mốc 490 điểm, đạt 493,92 điểm, tăng 3,14 điểm, tương đương 0,64%; VN30-Index nhích 1,15 điểm (+0m2%), lên 571,37 điểm.
Trong phiên này, cổ phiếu ngành ngân hàng có sự giằng có khá mạnh. Nếu như EIB tăng 100 đồng/cổ phiếu thì CTG và VCB cùng hạ 400 đồng/cổ phiếu, MBB và PVF giữ giá tham chiếu.
Ngoài các mã trên, trong nhóm cổ phiếu lớn, VNM tăng mạnh 4.000 đồng/cổ phiếu, VIC ghi 500 đồng/cổ phiếu, BVH tăng hết biên độ cho phép, ITA, NTL và PVD cùng tăng 100 đồng/cổ phiếu, HAG tăng 200 đồng/cổ phiếu, KBC ghi 500 đồng/cổ phiếu. Chính sự đi lên của các mã này đã giúp chỉ số chung tăng điểm dù cho số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế (101 mã giảm, 96 mã tăng).
Tuy nhiên, thanh khoản khoản giảm đáng kể so với phiên trước, đạt 52,422 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 772,774 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, thanh khoản cũng giảm khá mạnh, khối lượng đạt 48,310 triệu cổ phiếu, giá trị là 424,193 tỷ đồng. Áp lực bán gia tăng đã khiến HNX-Index tạm dừng ở mức 66,23 điểm, hạ 0,02 điểm (-0,03%); HNX30-Index tăng 0,84 điểm, lên 132,57 điểm. Số cổ phiếu tăng-giảm giá khá đồng đều với 92 mã đi lên, 96 mã đi xuống.
Như vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không có tác động nhiều đến thị trường trong phiên này. Vừa qua nhiều doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh quý 4-2012 nhưng cho thấy bức tranh không mấy tích cực, đặc biệt ở các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng.
Theo nhận định, triển vọng lợi nhuận trong quý I sẽ là rào cản cho đà tăng của thị trường. Về ngắn hạn khả năng điều chỉnh sâu khó xảy ra ngay nhưng thị trường sẽ tiếp tục phân hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.