(HNM) - Chủ nhật, ngày 24-1 là một ngày lành ở thôn Đồng Chiêm, xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Trong thôn có mấy đám cưới, người đi dự nói cười rộn rã, tíu tít hỏi nhau xem đã gieo mạ đủ cho đợt cấy trước Tết hay chưa. Ở UBND xã đang có hội nghị tổng kết của các hội, đoàn thể.
Mọi vi phạm pháp luật ở Đồng Chiêm đều có bàn tay các linh mục giáo xứ Thái Hà
Quang cảnh núi Chẽ sau khi tháo dỡ các công trình trái phép. Ảnh: Thanh Hương
Sự bình yên đang ngập tràn khắp các ngõ xóm Đồng Chiêm gây bất ngờ cho nhiều khách từ xa tới, bởi mới hôm qua thôi, vẫn có nhiều đoàn giáo dân dưới sự chỉ đạo, thúc ép của các linh mục giáo xứ Thái Hà từ các nơi ùn ùn kéo về "hiệp thông" với Đồng Chiêm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự và cuộc sống của một vùng quê vốn yên bình...
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã An Phú hiện có 1.734 hộ với gần 8 nghìn nhân khẩu, đồng bào theo đạo Công giáo chiếm 56%, có 4/13 thôn toàn tòng. Vì là vùng trũng, thuần nông, trong số 602ha diện tích canh tác chỉ có hơn 200ha cấy được hai vụ, còn lại là đất 1 vụ lúa, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thế nên An Phú có tới 28% hộ nghèo và xã đang được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi vùng 135 giai đoạn II.
Theo ông Nghĩa, từ ngày 6-1 đến nay, sau khi chính quyền tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ, dưới sự kích động của các linh mục giáo xứ Thái Hà, sự hiệp thông của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, giáo dân từ các nơi kéo về, tụ tập cầu nguyện trái phép làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự ở xã, gây mất đoàn kết nội bộ. Một bầu không khí căng thẳng, nghi ngại bao trùm khắp An Phú. Bố con nghi kị lẫn nhau, dân xa lánh chính quyền... Linh mục Nguyễn Văn Khải và các linh mục nhà thờ Thái Hà đã tổ chức nhiều đoàn giáo dân đến Đồng Chiêm; kéo đến nhà bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên để gây áp lực, buộc họ phải viết tường trình sai sự thật, cho rằng chính quyền đã phá bỏ Thánh giá, đàn áp giáo dân; thậm chí các linh mục này còn cho ném gạch đá, cầu nguyện đông người suốt đêm trước cửa nhà những cán bộ xã...
Trước tình hình đó, các cấp chính quyền huyện Mỹ Đức, xã An Phú một mặt kiên trì vận động các linh mục Nguyễn Văn Hữu, Nguyễn Văn Liên hợp tác với chính quyền, không được kích động giáo dân có những hành vi vi phạm pháp luật; một mặt kiên quyết xử lý bằng các biện pháp hành chính với những đối tượng ngoan cố chống đối. Trước sự mềm mỏng, có tình, có lý, nhưng cũng hết sức cương quyết của chính quyền, sáng 24-1, trong buổi lễ sớm Chúa nhật tại nhà thờ, linh mục Nguyễn Văn Hữu đã khuyên răn các giáo dân đã vi phạm pháp luật phải tự giác dỡ bỏ những cây Thánh giá dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ. Sự bình yên đã trở lại với Đồng Chiêm.
"Việc cần phải làm ngay bây giờ là tập trung gieo mạ, bơm nước cấy cho kịp thời vụ" - ông Nghĩa nói. Để giúp người dân nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, trong 3 năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho thôn Đồng Chiêm gần 70 tỷ đồng để xây trường học, trạm xá, đường giao thông liên thôn và xây con đê vững chãi, đủ sức chắn những đợt lũ lịch sử như năm 2009 vừa qua... Xã đang tập trung rà soát số hộ nghèo, các gia đình chính sách để có kế hoạch trợ giúp, chuẩn bị cho mọi người dân trong xã đón Tết cổ truyền an lành, no đủ.
Sau những ngày bỏ bê đồng áng, học hành, tham gia tụ tập, cầu nguyện trái phép, chống đối chính quyền, đến hôm nay, nhiều người dân Đồng Chiêm đã nhận rõ chân tướng của các linh mục giáo xứ Thái Hà - những kẻ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, kích động giáo dân vi phạm pháp luật. Lễ tại nhà thờ xong, mọi người hối hả ra đồng như muốn chạy đua với thời gian, với quyết tâm không chịu đói nghèo, không thể thua kém các vùng quê khác...
Không thế lực nào có thể phá hoại được khối đại đoàn kết dân tộc
Trường Tiểu học Đồng Chiêm đang được hoàn thiện. Ảnh: Thanh Hương
Gần 20 ngày qua, kể từ khi công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ bị phá dỡ, dưới sự cộng tác đắc lực của một số linh mục của Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, Nhà thờ Thái Hà, các tờ báo mạng như Chuacuuthe, VietCatholic, Nuvuongcongly, RFA... ngày đêm cố công nhào nặn cho ra hàng chục bài báo bóp méo sự thật, tạo dựng những hình ảnh "đầy máu" và những cuộc phỏng vấn "ngập trong nước mắt" hòng tiếp tục theo đuổi những "kịch bản" chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo mâu thuẫn giữa chính quyền và giáo dân... đã bị phá sản tại các vụ 42 Nhà Chung và 178 Nguyễn Lương Bằng. Từ một vụ việc bình thường, với những vi phạm hành chính cấp xã đã giải quyết, họ thổi phồng lên, lu loa như thể muốn cho cả thế giới biết là ở Đồng Chiêm, chính quyền Việt Nam đã "đàn áp giáo dân", "đập phá biểu tượng của Chúa"... hòng "chính trị hóa" vụ việc, kêu gọi sự lên tiếng ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đồng thời kích động giáo dân các nơi "hiệp thông", mở một cuộc "Thánh chiến bất bạo động" ở Đồng Chiêm.
Khi không nhận được một tiếng nói đồng tình nào từ phía các đại sứ quán, các đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế... bọn họ đã không ngần ngại "trở giáo" quay sang công kích Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo và những linh mục đã tỏ thái độ phản đối các hành vi vi phạm pháp luật ở Đồng Chiêm. Thoạt đầu thì năn nỉ, rồi hối thúc mãi không được, bọn họ lộ rõ chân tướng khi dùng những ngôn từ xấc xược thóa mạ các vị chức sắc, các đồng đạo.
Có một sự thật hiển nhiên, cho dù các thế lực thù địch có dụng công nhào nặn, theo đuổi đến cùng cũng không thể bóp méo và làm lu mờ được, đó là sau hơn 20 năm đổi mới, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng gấp 5 lần (từ 200 USD/người vào năm 1990 lên 1.024 USD/người năm 2008), tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giảm hơn 4 lần (từ 60% vào năm 1990 xuống còn 13,8% năm 2008). Năm 2009 vừa qua, Việt Nam lại tiếp tục vượt qua bao khó khăn, giành được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội... Cùng với chăm lo vật chất, đời sống tâm linh, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng là những nhu cầu chính đáng của người dân đã luôn được Đảng, Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. Ở Việt Nam hiện có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau, 80% người dân có đời sống tín ngưỡng; các sinh hoạt tôn giáo, đặc biệt các ngày lễ lớn hằng năm của nhiều tôn giáo được các cấp chính quyền tạo điều kiện tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố, vững mạnh, không thế lực nào có thể chia rẽ, phá hoại.
Sự thật là như thế, nhưng thật đáng tiếc, trong Giáo hội Việt Nam hiện nay vẫn còn những linh mục không chịu hợp tác với chính quyền, không làm đúng chức phận của một chủ chăn, đã dối Chúa, lừa mị giáo dân, dẫn dụ họ vào con đường vi phạm pháp luật, làm vẩn đục và tổn hại nghiêm trọng đến uy tín chung của cộng đồng Công giáo nói riêng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân nói chung. Những người đang làm xấu danh Chúa đó chính là một số linh mục thuộc giáo xứ Thái Hà.
Còn nhớ, tại buổi khai mạc Năm Linh mục (ngày 21-6-2009), Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh: "Giáo hội cần những linh mục thánh thiện, những thừa tác viên giúp tín hữu cảm nghiệm được tình yêu và tình thương xót của Chúa và là những chứng nhân xác tín về tình yêu thương này. Không gì làm cho Giáo hội và thân mình Chúa Kitô đau khổ bằng chính các tội lỗi của mục tử của mình, đặc biệt là những kẻ tự biến mình thành "kẻ trộm chiên" hoặc bởi vì họ dẫn chiên đi chệch đường với các học thuyết của họ, hoặc bởi vì họ trói buộc con chiên vào cạm bẫy của tội lỗi và sự chết". Và trong cuộc gặp với các linh mục Việt Nam ngày 27-6-2009, Đức Giáo hoàng cũng răn dạy: "Giáo hội mời gọi các phần tử của mình dấn thân một cách lương thiện để xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo hội không đòi hỏi phải làm thay vai trò của các nhà chức trách của Chính phủ, chỉ mong rằng Giáo hội có thể, trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng lẫn nhau, góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia, vào việc phục vụ tất cả người dân".
Sự bình yên ở Đồng Chiêm hôm nay như thêm một bài học cảnh tỉnh với những kẻ đang cố tình trượt sâu vào vũng bùn tội lỗi, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.
Anh Quang
Những đối tượng vi phạm pháp luật tại thôn Đồng Chiêm, An Phú, Mỹ Đức Chúng tôi đã bị kích động
Liên quan đến vụ việc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đỉnh núi Chẽ, ngày 6-1, một số giáo dân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã bị kích động, ra gần hiện trường chửi bới, lăng mạ, ném gạch đá vào lực lượng bảo vệ. Đến nay, Công an huyện Mỹ Đức đã làm rõ 13 đối tượng liên quan. Sáng 24-1, PV Hànộimới đã phỏng vấn một số đối tượng:
Đinh Thị Hường (SN 1964), thôn Đồng Chiêm: Tôi đã bị kích động vi phạm pháp luật
Sáng 6-1, khi nghe mọi người hô hào lực lượng chức năng đang cưỡng chế tháo dỡ Thánh giá trên đỉnh núi Chẽ, tôi đã cùng nhiều người nhặt đá ném vào lực lượng công an, chửi bới lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Khoảng 22h cùng ngày, tôi tiếp tục nghe lời kích động của một số đối tượng ở Đồng Chiêm, cùng nhiều người dân khác ra đường phá lều lán của công nhân, ném 1,2 tấn xi măng, 85kg sắt là vật liệu xây dựng kênh mương của xã đặt ở khu vực Đập Chẽ xuống sông Mỹ Hà. Đến nay, tôi thấy rõ những việc làm vi phạm pháp luật của mình, mong các cấp tha thứ cho việc làm sai trái của tôi.
Nguyễn Văn Đãng (SN 1970), thôn Đồng Chiêm: Hành vi của tôi là vi phạm pháp luật
Khoảng 22h ngày hôm đó, nghe lời hô hoán Thánh giá bị phá, tôi đã chạy lên Đập Chẽ, thấy đông người, tôi hô mọi người ném gạch đá vào khu lều bạt dựng tại khu vực đập này. Sau đó lại cùng mọi người ném xi măng, gạch để xây dựng kênh mương xuống sông. Tôi biết việc làm của tôi là dại dột, vi phạm pháp luật, mong Nhà nước xem xét, tha thứ cho hành vi bồng bột của tôi.
Phạm Thị Heo (SN 1948), thôn Đồng Chiêm: Tôi đã nhận thức được việc làm sai trái của mình
Đêm 6-1, tôi ở nhà, thấy hô hào có người chết, tôi chạy cởi áo buộc lấy đầu người này và kêu gào. Sau đó, tôi gọi con cháu, chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Đến nay, tôi đã nhận thức được việc làm sai trái của mình. Do già cả, không được giáo dục đến nơi đến chốn, tôi đã có các hành vi thiếu suy nghĩ, tôi mong lực lượng chức năng tha thứ.
Hà Trang ghi |