Trong nhiều biện pháp bình ổn giá bán lẻ xăng dầu đang được thực hiện, việc liên bộ Công Thương - Tài chính đưa ra mức giá trần là giá “trung bình trượt” của 10 ngày trước đó đã phát huy tác dụng giữ ổn định giá xăng, dầu trong nước trước biến động rất lớn của thị trường thế giới.
Biện pháp điều hành này cũng đang tiếp tục được điều chỉnh, với kỳ vọng không để xảy ra những biến động lớn.
Tránh được nhiều “cú sốc”
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, xăng, dầu được coi như “máu” của nền kinh tế bởi hầu hết các hoạt động sản xuất và tiêu dùng đều cần đến mặt hàng này. Dù là quốc gia khai thác dầu thô và có 2 nhà máy lọc dầu với tổng công suất 17 triệu tấn dầu thô/năm, nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia nhập khẩu xăng, dầu. Trong giai đoạn 2020-2022, lượng nhập khẩu ròng chiếm khoảng 60% tổng lượng xăng, dầu tiêu thụ nội địa. Vì vậy, diễn biến giá bán lẻ xăng, dầu thành phẩm trong nước phụ thuộc vào biến động của giá xăng, dầu trên thị trường thế giới, trực tiếp là biến động của giá xăng, dầu thành phẩm ở thị trường Singapore.
Thời gian qua, khi giá xăng, dầu thế giới tăng cao liên tục, Nhà nước vẫn phải áp dụng linh hoạt các biện pháp điều hành để góp phần bình ổn giá. Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá cơ sở của xăng, dầu 10 ngày/lần. Liên bộ cũng sử dụng Quỹ Bình ổn giá để hạn chế tác động của giá xăng, dầu đến mặt bằng chung giá hàng hóa. Ngoài ra, các công cụ thuế, phí, trong đó rõ nhất là giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu cũng được sử dụng nhằm bình ổn giá mặt hàng này.
Chuyên gia Phạm Minh Thụy, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, những biện pháp điều hành nêu trên đã giúp giá bán lẻ xăng, dầu ở Việt Nam giữ được sự bình ổn trong suốt thời gian qua. Trong đó, góp phần lớn nhất là biện pháp công bố giá cơ sở của xăng, dầu 10 ngày/lần. Các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu không được bán với giá cao hơn mức giá cơ sở này.
“Việc đưa ra mức giá trần xăng, dầu là giá “trung bình trượt” - tập hợp các giá trị trung bình của giá cả 10 ngày, (trước ngày 2-1-2022 là 15 ngày/lần) đã có tác dụng giữ ổn định giá xăng, dầu trong nước trước sự biến động rất lớn đôi khi biến động theo giờ của giá xăng, dầu thế giới. Ví dụ ngày 9-3-2022, giá xăng RON95 tại cảng Singapore tăng vọt lên mức 153,77 USD/thùng (tăng 6,15% so mức giá bình quân ngày trước đó). Nếu Việt Nam điều chỉnh giá xăng, dầu theo ngày thì những ngày này giá xăng, dầu trong nước sẽ biến động rất mạnh. Nhưng vì điều chỉnh giá xăng dầu theo giá cơ sở là giá trung bình của 10 ngày trước đó, nên đã tránh được “cú sốc””, ông Phạm Minh Thụy nêu.
Hài hòa lợi ích, đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Tuy nhiên, việc điều hành, giữ cho giá bán lẻ xăng, dầu không tăng quá mạnh đã dẫn đến tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa vì không có xăng để bán hoặc bán với lượng hạn chế. Nhằm khắc phục những bất cập trên, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng, dầu. Dự thảo nghị định lần 2 được đưa ra lấy ý kiến mới đây đã có một số điều chỉnh, trong đó quy định thời gian công bố giá xăng, dầu định hướng sẽ được rút từ 10 ngày xuống 7 ngày và công bố vào ngày thứ năm hằng tuần.
Bộ Công Thương lý giải, phương án rút ngắn số ngày sẽ bảo đảm giá xăng, dầu bám sát hơn với diễn biến trên thị trường thế giới, hướng tới hài hòa lợi ích, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc điều hành sẽ được thực hiện kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu.
Bàn về dự thảo quy định mới này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nêu quan điểm, càng rút ngắn thời gian điều chỉnh càng có ưu điểm sát với giá thị trường, nhưng quan trọng là năng lực của cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu. Cơ quan quản lý trong 7 ngày của chu kỳ điều chỉnh phải xác định được giá bán sát với giá thị trường, có tính đến hạch toán và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, có thể 7 ngày điều chỉnh giá một lần nhưng mỗi lần điều chỉnh giá thì phải quay trở lại 20 ngày để tính toán, tương ứng với mức tồn kho của doanh nghiệp đầu mối, theo đúng quy định lưu thông bắt buộc. Có như vậy mới tính được cả các loại chi phí… “Giá trung bình trượt định hướng được tính trong thời gian đủ dài (từ 2 đến 4 tháng), sau đó thực hiện điều chỉnh giá theo từng chu kỳ ngắn xoay quanh giá trung bình trượt định hướng này”, chuyên gia Phạm Minh Tâm, Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất.
Thực tế cho thấy, phương thức điều hành giá xăng, dầu bằng cách tính giá cơ sở xăng, dầu từ giá thế giới trung bình trượt của giai đoạn trước đó có tác dụng bình ổn giá mạnh nhất. Vì vậy, cần tiếp tục áp dụng cách tính giá này khi triển khai bình ổn giá xăng, dầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.