Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điều hành giá xăng dầu phải đáp ứng bài toán cạnh tranh và thị trường

Hồng Sơn| 14/02/2023 15:42

(HNMO) - Ngày 14-2, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95 và Nghị định 83).

Quang cảnh hội thảo.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh và là đầu vào quan trọng của nền kinh tế cũng như tác động đến mục tiêu kiểm soát lạm phát (CPI). Đây cũng là lý do mặt hàng này luôn nhận được quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

Vì vậy, trong điều hành giá xăng dầu, cơ quan quản lý luôn phải bảo đảm mục tiêu làm sao đáp ứng được nguồn cung xăng dầu, đồng thời cố gắng ổn định giá xăng dầu để góp phần kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Xét về tổng thể, hoạt động điều hành luôn phải đáp ứng bài toán cạnh tranh và thị trường.

Trước đây, quá trình sửa đổi Nghị định 83 và ban hành Nghị định 95 là 2,5 năm, có sự tham gia góp ý của cộng đồng doanh nghiệp, trải qua quá trình thảo luận, xin ý kiến rất dài. Hiện nay, tất cả vấn đề đặt ra trong quá trình sửa đổi hai nghị định này đều là những vấn đề đã đưa ra thảo luận, với yêu cầu đánh giá và sửa đổi để phù hợp hơn.

Tuy nhiên, những biến động của thị trường xăng dầu những năm qua mang tính chất dị biệt, đặc biệt là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, biến động giá xăng dầu ở biên độ cao và chưa từng xảy ra trước đó trên phạm vi rộng…

Thực tế cũng đặt ra yêu cầu, cần tư duy về các công cụ quản lý nhà nước nên can thiệp đến đâu? Tư duy về quan hệ cung cầu, về quy luật cạnh tranh như thế nào?... Đó là dịp để tổng kết, hướng tới việc đáp ứng sự hình thành thị trường xăng dầu vận hành khoa học, công bằng cũng như bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước, kiểm soát CPI - một trong những cân đối chính của kinh tế. Từ đó, xăng dầu sẽ thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Các đại biểu cũng cho rằng, Bộ Công Thương và ban soạn thảo đang thực sự lắng nghe, cầu thị để làm sao có thị trường xăng dầu lành mạnh, hợp lý và góp phần bảo đảm mục tiêu kiểm soát CPI, hỗ trợ cuộc sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp.

Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định, xăng dầu là mặt hàng quan trọng đặc biệt của quốc gia. Điều hành giá xăng dầu là công tác phức tạp, khó khăn. Khi giá xăng dầu cao, có thể lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, nhưng lại ảnh hưởng tới người tiêu dùng và nền kinh tế. Ngược lại, nếu giá sát với chi phí, sẽ gây ảnh hưởng và thiếu hụt cho hoạt động kinh doanh.

Do đó, về quan điểm trong việc soạn thảo các nghị định, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng: "Cần nhất quán quan điểm về cạnh tranh bình đẳng, tự do kinh doanh và công khai minh bạch. VCCI tin rằng, khi đáp ứng yêu cầu này thì sẽ đáp ứng tất cả yêu cầu của doanh nghiệp, người dân" .

Hơn nữa, mệnh lệnh hành chính chỉ là giải pháp tình thế chứ không thể bền vững bằng “mệnh lệnh” thị trường. Về bản chất, cần trao thị trường xăng dầu về cho thị trường vận hành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh bền vững và chủ động. Đây cũng là một yêu cầu quan trọng trong sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 lần này, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp muốn bán hàng, cạnh tranh, đầu tư và phục vụ xã hội.

Bên cạnh đó, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95, Bộ Công Thương đưa ra 2 phương án điều hành giá xăng dầu. Phương án thứ nhất: Vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp. Phương án thứ hai, Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định, đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế. Bộ Công Thương ưu tiên lựa chọn phương án 1.

VCCI cho rằng, nếu Bộ Công Thương chọn phương án Nhà nước tiếp tục định giá và sửa công thức giá cơ sở theo hướng tính đúng, tính đủ thì vẫn khó bảo đảm tính hợp lý, khả thi và có thể lặp lại bất cập trên thị trường. Do đó, VCCI kiến nghị lựa chọn phương án cho doanh nghiệp tự quyết định giá. Khi đó, giá bán sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường.

"Giá xăng có thể tham chiếu theo giá trên sàn thế giới; còn các chi phí như vận chuyển, bảo hiểm, bán hàng, lãi vay... của mỗi lô hàng, kho xăng và doanh nghiệp là khác nhau. Nhà nước có thể yêu cầu doanh nghiệp báo cáo nhưng lại luôn phải đối mặt với nguy cơ họ kê khai cao lên để có được giá bán cao hơn. Thậm chí, kiểm toán cũng khó phát hiện trường hợp doanh nghiệp "gửi giá", thông đồng với đối tác để đẩy chi phí lên", theo VCCI. Từ đó cũng đặt ra yêu cầu về nâng cao hiệu quả quản lý và sự minh bạch nói chung.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điều hành giá xăng dầu phải đáp ứng bài toán cạnh tranh và thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.