(HNM) - Nhằm đặt dấu chấm hết cho tham vọng cai trị của Tổ chức Hồi giáo tự xưng (IS) tại quốc gia Trung Đông, quân đội Iraq vừa phát động một cuộc tấn công mặt đất quy mô lớn để tái chiếm khu vực phía Tây TP Mosul.
Tình hình chiến sự ở TP Mosul (Iraq) đang rất căng thẳng. |
Mosul là thành phố lớn thứ hai của Iraq, cách thủ đô Baghdad khoảng 400km và có vị trí địa chiến lược hết sức quan trọng, kết nối phía Bắc Iraq và phía Đông Syria. Từ khi bị IS kiểm soát vào tháng 6-2014 đến nay, Mosul trở thành thành trì chủ chốt của lực lượng này tại Iraq. Tại đây hiện có khoảng 3.500 đến 5.000 phiến quân IS, gồm cả người Iraq và người nước ngoài. Dù tổ chức này đã mất quyền kiểm soát nhiều khu vực trong thời gian qua nhưng đội quân cờ đen vẫn giữ được "thánh địa" của chúng. Mãi đến tháng 10-2016, quân đội Iraq mới có thể mở một chiến dịch công kích nhằm giành lại thành phố lớn thứ hai đất nước.
Đến nay, chiến dịch tái chiếm Mosul đã đạt được những bước tiến nhất định trên thực địa. Từ tháng 1-2017, quân đội Chính phủ Iraq cùng liên minh đã giải phóng hoàn toàn phía Đông Mosul sau khi giành lại quyền kiểm soát hai khu dân cư cuối cùng phía tả sông Tigris và đẩy lùi các chiến binh IS về phía Tây thành phố, nơi sinh sống của hàng trăm nghìn dân thường. Khoảng 1.500 tên khủng bố đã bị tiêu diệt trong 4 tháng qua.
Trên đà thắng lợi, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vừa thông báo triển khai các chiến dịch quân sự để giải phóng khu vực phía Tây thủ phủ Mosul và nhấn mạnh chiến dịch quân sự này là “bình minh” của công cuộc giải phóng thành phố. Theo các nhà phân tích, hành động này có thể phức tạp hơn nhiều do các đường phố ở khu vực Tây Mosul quá hẹp và đan cắt ngang dọc, khiến các loại xe bọc thép khó tiến vào. Các tay súng IS được dự báo sẽ chống trả rất quyết liệt khi bị dồn vào đường cùng và những khu vực do IS kiểm soát ở thành phố miền Bắc Iraq này đã bị thu hẹp đáng kể. Ngay trước khi chiến dịch được công bố, bản thân IS cũng đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc giao tranh mới bằng việc mở các lối đi xuyên qua những ngôi nhà của dân thường để chúng di chuyển mà không bị phát hiện.
Chưa hết, khoảng 800 nghìn dân thường vẫn đang sinh sống tại Tây Mosul là một thách thức lớn đối với quân đội Iraq trong việc tấn công IS. Các tổ chức nhân quyền lo ngại rằng việc sử dụng vũ khí hạng nặng trên các con phố hẹp ở Mosul, nơi vẫn còn hàng trăm nghìn thường dân đang mắc kẹt, sẽ gây ra hậu quả rất lớn về nhân mạng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện, thực phẩm, nước uống nghiêm trọng đang đặt người dân nơi đây bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ. Đại diện của LHQ cho biết, tình hình sẽ khó dự đoán khi các chiến dịch quân sự ở Mosul tiếp diễn và có thể kéo dài.
Tổ chức Save the Children cũng đã kêu gọi lực lượng an ninh Iraq làm hết sức để bảo vệ 350 nghìn trẻ em còn mắc kẹt nơi này.
Các nhà phân tích cho rằng, nếu các chiến dịch tái chiếm Fallujah và Ramadi từ tay tổ chức IS chỉ là những cuộc vây hãm thì chiến dịch tái chiếm Mosul được nhận định sẽ là một trận quyết chiến. Nó sẽ là chiến dịch lớn nhất tại Iraq kể từ năm 2003, thời điểm Mỹ tấn công quốc gia Trung Đông, đồng thời cũng là cuộc chiến sinh tử có ý nghĩa quyết định cho tương lai của đất nước đầy bất ổn này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.