(HNNN) - Từ xưa đến nay trong quan niệm của nhiều người Việt, nam giới vẫn được mặc định là trụ cột gia đình, quyết định những việc lớn trong nhà và ngoài xã hội. Ngược lại, phụ nữ luôn được khuyên bảo, khuyến cáo tập trung vào các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Tư tưởng này hằn sâu đến mức, đến nay vẫn không ít phụ nữ tin rằng họ nên học vừa thôi, không nên vượt mặt chồng, không nên tự quyết, kiếm tiền nhiều hơn, có vị thế xã hội cao hơn chồng...
Đáng lưu ý, cho dù Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang có nhiều chủ trương, chính sách rất thuận lợi để họ có cơ hội ngang bằng với nam giới nhưng phụ nữ vẫn luôn gặp những rào cản đến từ các khía cạnh văn hóa, xã hội, đặc biệt là từ chính họ.
Những rào cản tự xây
Bà Lê Thị Phương Thúy - Trưởng phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và Phát triển) kể rằng, bà hết sức ngạc nhiên khi có nạn nhân của nạn bạo lực gia đình mà bà đang tư vấn rụt rè, ái ngại hỏi rằng: “Thế em có được chống cự lại chồng em khi chồng em đánh em không chị?” - Câu hỏi ấy đang phản ánh rõ ràng một thực tế, chính những người phụ nữ đang vấp phải những rào cản về tâm lý, văn hóa truyền thống, nền tảng gia đình do họ tạo ra, ngoài định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội và được nhiều người nhắc đến lâu nay.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm công tác tư vấn tại Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, bà Lê Thị Phương Thúy chia sẻ: “Hiện còn rất nhiều người trong cộng đồng, kể cả tầng lớp trí thức vẫn còn nghĩ xuôi chiều với nguyên sự phân biệt truyền thống về giá trị, vai trò, khả năng của phụ nữ và nam giới. Tôi từng chứng kiến có rất nhiều nữ trí thức kể cả có học hàm, học vị đến tiến sĩ, giáo sư nhưng trong họ vẫn còn nguyên vẹn giá trị của một người phụ nữ truyền thống, họ vẫn tiếp tục chấp thuận những sự đối xử bất bình đẳng trong gia đình và chấp nhận nghe chồng mắng chửi, miệt thị, coi thường...".
Thậm chí đang tồn tại một thực tế, cộng đồng nhiều khi coi việc một người phụ nữ bị bạo lực cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng nếu một người đàn ông bị bạo lực thì cộng đồng sẵn sàng ồn ào bàn tán, thậm chí còn cho rằng họ bị “bạo lực ngược” - bản thân cụm từ này đã cho thấy cộng đồng không chấp nhận hình ảnh người đàn ông bị bạo lực.
"Hậu quả là người phụ nữ rất dễ im lặng, chịu đựng bạo lực gia đình do bị cô lập, tẩy chay, đổ lỗi. Họ không chỉ phải chấp nhận bạo lực gia đình bởi người gây bạo lực mà còn bởi chính cộng đồng họ đang sống”, bà Lê Thị Phương Thúy khẳng định.
Trên thực tế, những câu chuyện tương tự như vậy diễn ra rất nhiều trong cuộc sống. Nhiều phụ nữ bộc bạch rằng không muốn sinh con gái vì sợ khổ giống mình. Khổ với thiên chức làm vợ, làm mẹ; khổ vì “phận đàn bà”; khổ vì vẫn còn đâu đó tư tưởng “trọng nam khinh nữ”... Có không ít cặp vợ chồng, cả hai cùng có điều kiện phát triển ngang nhau, thậm chí người vợ có ưu thế hơn nhưng chị em luôn sẵn sàng lui về hậu phương, tạo điều kiện và “nhường” cho chồng cơ hội (học tập, thời gian...) để phát triển.
Chưa hết, mỗi khi truyền hình, đài, báo đưa câu chuyện về một người phụ nữ thành đạt thì thế nào cũng có sự nghi ngờ, đại loại là ông chồng của cô này thế nào, có thành đạt như cô ấy không? Nếu ông chồng không thành đạt bằng vợ mình thì nhiều người sẽ chép miệng, lo lắng cho cô ấy rằng liệu như thế có bền không, cô ấy có thời gian để nấu cơm cho chồng không?...
Cần chung tay của toàn xã hội
Có nhiều giải thích khác nhau cho hiện tượng này, một trong số đó là tại mỗi gia đình, trẻ em gái được giáo dục khắt khe hơn trẻ em nam về việc tuân thủ các chuẩn mực xã hội. Những người mẹ thường giáo dục con gái mình phải đảm đang, biết nấu ăn, chăm sóc chồng con, hy sinh vì chồng vì con, nghe lời chồng và chịu nhịn khi “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Những người mẹ chồng cũng khắt khe hơn với con dâu và mong muốn họ phải tuân thủ chuẩn mực hy sinh, tuân thủ lễ giáo nhà chồng. Điều này đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của phụ nữ về giá trị của tự do và bình đẳng.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, dân số, môi trường và các vấn đề xã hội (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), người đã tham gia nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới trong giáo dục nhiều năm chia sẻ: “Một đứa trẻ từ nhỏ đã được dạy rằng, đàn ông sinh ra là để lo việc lớn, việc nội trợ nhỏ nhặt, tầm thường, rửa bát, nấu cơm, là việc của người phụ nữ. Nếp nghĩ ấy sẽ ngấm sâu vào tiềm thức trong suốt cả quá trình nó lớn lên. Tư tưởng này sẽ tác động mạnh đến não của các em, theo thời gian nó trở thành định kiến một cách rất tự nhiên. Từ sách vở, việc áp dụng định kiến đó vào thực tế cuộc sống của các em cũng sẽ tự nhiên như thế”.
Trong khi đó, bà Lê Thị Phương Thúy thì cho rằng, chính những định kiến giới về vai trò, năng lực của nam và nữ khác nhau trong xã hội, thậm chí coi trọng nam hơn nữ trong xã hội Việt Nam đã khiến người phụ nữ tự xây rào cản cho mình.
"Chúng ta đều phải thừa nhận hiện đang có một thực tế, khi có một vụ việc bạo lực gia đình xảy ra, không ít người nghĩ rằng, chắc người vợ phải thế nào thì chồng mới bạo lực, chửi bới", bà Lê Thị Phương Thúy nhận định.
Từ suy nghĩ đó, người vợ sẽ thấy bị đổ lỗi hoặc chính chị ấy cảm thấy có lỗi vì để gia đình mình không yên ấm (với gánh nặng vai trò giới truyền thống, phụ nữ là người giữ lửa). Kết quả là, sau các vụ hòa giải, cả “thủ phạm” và nạn nhân đều có lỗi, hòa cả làng với câu nói “tại anh tại ả, tại cả hai bên”.
Thậm chí họ còn được tuyên truyền, hướng dẫn cần “phải” đẹp hơn, “phải” dịu dàng hơn, “phải” biết cách ứng xử hơn, “phải” biết làm hài lòng chồng hơn để duy trì tổ ấm... Bà Lê Thị Phương Thúy kết luận: "Như vậy, chúng ta có thể thấy, thái độ, hành vi của cộng đồng đã tiếp tục đề cao quyền của người đàn ông và bỏ qua quyền bình đẳng của phụ nữ”.
Phụ nữ muốn vượt qua định kiến của xã hội, trước hết cần vượt qua và vượt lên rào cản chính bản thân mình. Theo bà Lê Thị Phương Thúy, muốn làm được điều đó, mỗi người trong cộng đồng dù là ai, thuộc thành phần nào, dù là người thừa hành, sử dụng hay áp dụng pháp luật cũng cần phải thay đổi các định kiến, hiểu lầm về vai trò, vị trí, khả năng khác nhau giữa nam và nữ trong xã hội.
“Tôi nghĩ là sự thay đổi bắt đầu từ việc truyền bá những quan điểm đó. Truyền thông sẽ là một kênh rất quan trọng cho việc này. Những tư tưởng và hành động bắt đầu từ những cá nhân được truyền bá sẽ tạo thành làn sóng và lan rộng thành phong trào, tạo ra sự thay đổi rất căn bản, vững bền vì đó là lựa chọn của chúng ta và vì chính chúng ta”.
Bà Thúy nhấn mạnh, việc đầu tiên là tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới, trong đó, nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa ba môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình và xã hội. Các bậc cha mẹ cần thức tỉnh và thay đổi lối mòn trong suy nghĩ, tránh phân biệt đối xử và tạo cơ hội cho cả bé trai và bé gái phát huy hết năng lực, năng khiếu của mình. Các thầy cô trong quá trình dạy cho học trò cũng cần có quan điểm, biết lồng ghép vấn đề định kiến giới như gợi vấn đề cho các em thảo luận liện hệ với bản thân, gia đình.
Công tác giáo dục về giới cần phải được tăng cường đẩy mạnh trong nội dung đào tạo đối với các đối tượng thanh thiếu niên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các em có sự hiểu biết, ý thức và trách nhiệm về giới trong việc xây dựng cuộc sống gia đình sau này.
Chiến lược tuyên truyền, giáo dục nếu được thực hiện tốt sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử giữa phụ nữ và nam giới, giữa bố mẹ và con cái, từ đó dần xóa bỏ rào cản mà phụ nữ tự xây nên từ chính những định kiến và khoảng cách giới đang tồn tại trong xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.