Chuyển đổi số

Big data và ứng dụng trong chuyển đổi số

Việt Nga 14/09/2023 - 06:19

Nghị quyết số 52-NQ/TƯ ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định vai trò quan trọng của việc khai thác dữ liệu. Trên thực tế, Việt Nam được coi là nước có dân số trẻ, với hơn 70% người sử dụng internet, do vậy thị trường dữ liệu lớn (Big data) được đánh giá là giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số…

doi-so.jpg
Đại diện Tập đoàn FPT giới thiệu với khách hàng các giải pháp công nghệ do FPT nghiên cứu, phát triển. Ảnh: Lê Minh

Hiệu quả trong nhiều lĩnh vực

Theo Cẩm nang chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành năm 2021, dữ liệu lớn được sinh ra từ hàng tỷ điện thoại thông minh, thiết bị cảm biến kết nối vạn vật và hoạt động của con người trên môi trường mạng internet. Nếu công nghệ trước kia cần một thời gian rất dài để xử lý dữ liệu thì công nghệ số hiện nay cho phép xử lý, phân tích trong thời gian ngắn hơn rất nhiều, từ đó rút ra thông tin, tri thức hoặc đưa ra quyết định một cách phù hợp. Vì vậy, có thể ví dữ liệu lớn như bộ não của con người.

Trong bối cảnh phát triển của công nghệ, Big data được ứng dụng rất hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, như thương mại điện tử, ngân hàng, tiếp thị kỹ thuật số và bán lẻ. Trong thương mại điện tử, Big data giúp doanh nghiệp biết khách hàng quan tâm tới sản phẩm nào để đưa ra quảng cáo phù hợp, dự báo nhu cầu, phân bổ, dự trữ hàng hóa.

Với lĩnh vực ngân hàng, Big data tham gia vào rất nhiều công đoạn, từ thu tiền mặt, giao dịch điện tử đến quản lý tài chính.

Với ngành bán lẻ, Big data phân tích thị trường cạnh tranh và sự quan tâm của khách hàng, giúp doanh nghiệp xác định hành trình trải nghiệm, xu hướng mua sắm và sự hài lòng của khách hàng, từ đó cải thiện hiệu suất bán hàng.

Trong bối cảnh các nền tảng truyền thông và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người dân gia tăng, thậm chí “nghiện” mua sắm trực tuyến, Big data giúp digital marketing (tiếp thị kỹ thuật số) trở thành một phần không thể thiếu với các doanh nghiệp.

Công nghệ lõi cho các dự án chuyển đổi số

Kể lại quá trình ứng dụng dữ liệu lớn tại doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao hàng tiết kiệm Phạm Hồng Quân cho biết, tất cả dữ liệu được lưu trữ, xử lý và cập nhật theo thời gian thực trên hệ thống vận hành giúp đơn vị phát triển các ứng dụng, tối ưu và cá nhân hóa tính năng sản phẩm theo nhu cầu và hành vi của người dùng.

Ví dụ, nền tảng hậu cần giao hàng tiết kiệm app hỗ trợ cá nhân hóa vận hành của hàng triệu nhà bán hàng trực tuyến, phân loại ngành hàng, đánh giá khách hàng và thói quen, hành vi sử dụng dịch vụ, mức độ tín nhiệm, khả năng rời bỏ dịch vụ của khách hàng. Kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng phân tích hơn 100 triệu địa chỉ trên toàn mạng lưới, đưa ra phương án tối ưu tuyến đường, chi phí, thời gian giao - nhận hàng. Kết hợp cùng công nghệ thị giác máy tính (Computer vision), ứng dụng có thể theo dõi hàng triệu đơn hàng mỗi ngày, nhận diện khuôn mặt, định danh hơn 30.000 người lao động của đơn vị, bao gồm cả việc đọc thông tin trong căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái xe, hóa đơn chứng từ…

"Tính đến hết năm 2022, nền tảng hậu cần giao hàng tiết kiệm app trở thành nền tảng làm việc số của hơn 2,5 triệu nhà bán hàng trực tuyến trong cả nước. Giao hàng tiết kiệm đã phục vụ hơn 70 triệu người mua sắm trực tuyến; tổng giá trị hàng hóa được thực hiện trên giao hàng tiết kiệm ước đạt 570.000 tỷ đồng, đồng thời đạt mốc hơn 1 tỷ đơn hàng năm 2022", ông Phạm Hồng Quân thông tin.

Với Tập đoàn FPT, có quy mô 11 công ty thành viên, có hoạt động liên kết, kinh doanh ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng dữ liệu cần quy hoạch, xử lý là “tài nguyên” khổng lồ. Do vậy, từ năm 2020, FPT đã triển khai chiến lược vận hành bằng dữ liệu và khởi động dự án "Hồ dữ liệu FPT".

Sau 3 năm, dự án mang lại những kết quả tích cực trong quản trị doanh nghiệp. Điểm nổi bật nhất là thông qua "Hồ dữ liệu FPT", ban lãnh đạo được hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng, đồng thời bắt kịp diễn biến, dự báo nhu cầu thị trường để điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Những quyết định quan trọng có thể được đưa ra ngay trong ngày thay vì vài tuần. Những lợi thế trên góp phần giúp FPT kinh doanh không gián đoạn và tăng trưởng đều đặn (năm 2022, doanh thu cán mốc 44.010 tỷ đồng, tăng trưởng đến 23%).

“Từ hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm thực tiễn trên, FPT đã tiên phong đưa Big data trở thành công nghệ lõi cho các dự án chuyển đổi số, cùng với trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (Blockchain) và đám mây (Cloud). Tập đoàn triển khai các dự án chuyển đổi số lấy dữ liệu làm trọng tâm cho các khối chính phủ, tỉnh, thành, hàng nghìn khách hàng trên toàn cầu, góp phần gia tăng năng lực công nghệ và thúc đẩy vận hành kinh doanh cho nhiều đối tác”, Tổng Giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết.

Trên đây chỉ là 2 ví dụ cụ thể từ 2 doanh nghiệp công nghệ đã đạt hiệu quả cao nhờ ứng dụng Big data. Điều này cho thấy thị trường Big data rất tiềm năng, cần được các doanh nghiệp khai thác để phát triển. Mặc dù có ý kiến cho rằng, Big data mới chủ yếu được ứng dụng mạnh tại một số doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng lớn, song có thể nói, theo xu hướng, việc ứng dụng công nghệ là tất yếu để doanh nghiệp có cơ hội vươn lên.

Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số xác định năm 2023 là năm dữ liệu số, phát triển, kết nối, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới. Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành kế hoạch triển khai năm dữ liệu số 2023… Các cấp, ngành đã nhận thức rất rõ vai trò và xu hướng phát triển của dữ liệu số. Nhận thức này cần được cụ thể hóa thành hành động để việc ứng dụng, khai thác dữ liệu lớn hiệu quả, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Big data và ứng dụng trong chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.