Ngày 7-9, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Báo Người lao động tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kinh tế số thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững”.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết, thành phố xác định đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Đến năm 2030, kinh tế số đóng góp 41% vào GRDP thành phố, các chỉ tiêu này cao hơn mục tiêu của quốc gia từ 5-10%.
Năm 2021, thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đo lường kinh tế số bằng phương pháp nghiên cứu khoa học với chỉ số đạt 15,48%. Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá chỉ số kinh tế số thành phố là 18,66%. Chỉ tiêu năm 2023 đạt 19%.
Ông Lâm Đình Thắng cho biết, thành phố đang gặp ba thách thức lớn về kinh tế số: Thứ nhất, nhận thức về kinh tế số ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chưa đầy đủ, nói về kinh tế số rất chung chung nhưng, hiểu kinh tế số không đồng nhất giữa các cấp, các ngành; thứ hai, phương pháp công cụ đo lường kinh tế số không thống nhất trên địa bàn thành phố; thứ ba là chính sách, nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thúc đẩy chuyển đổi số chưa đủ mạnh.
PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tất cả các chỉ số về kinh tế số của thành phố Hồ Chí Minh đều đứng đầu cả nước, đóng góp 20-25% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 28 trên thế giới với tổng doanh thu gần 50 tỷ USD về kinh tế số và đứng thứ 3 Đông Nam Á chỉ sau Singapore và Jakarta.
Trọng tâm phát triển kinh tế số của thành phố theo các trụ cột về công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông, chuyển đổi số các ngành công nghiệp, quản trị số và số hóa dữ liệu. Cách làm đột phá là phải chuyển nhanh một số khâu của nền kinh tế sang online và phổ cập hóa ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng phải là AI của Việt Nam phát triển.
Tại hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Phạm Bình An gợi ý một số chính sách trọng tâm phát triển kinh tế số của thành phố như cần tập trung hoàn thiện thể chế ở các nhóm chính sách về phát triển hạ tầng số; phát triển, ứng dụng các nền tảng số; phát triển và khai thác dữ liệu số; thúc đẩy chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực trọng tâm; gắn kết với hoạt động đổi mới sáng tạo; phát triển doanh nghiệp số, nhân lực số…
Phát biểu kết luận hội thảo, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng nhấn mạnh: “Thành phố đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách cụ thể để phát triển kinh tế số trên địa bàn. Các chính sách tập trung phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp, công nghệ, hiệu quả là sự tăng trưởng của kinh tế, đây cũng là thước đo. Kinh tế số thành phố phát triển có nghĩa là cả nước được hưởng lợi chung và cuộc sống người dân được cải thiện”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.