Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu quyết, thông qua 6 dự án luật, nghị quyết

Hương Ly| 27/11/2019 06:24

(HNM) - Ngày 26-11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Bày tỏ nhất trí với việc ban hành luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nhấn mạnh, cần thiết phải xây dựng phương thức giải quyết tranh chấp mới là hòa giải, đối thoại tại tòa án. Theo đại biểu, khác với xét xử tại tòa án bị ràng buộc bởi nguyên tắc xét xử công khai, việc hòa giải diễn ra trong môi trường riêng, chỉ có các bên liên quan tham gia. Điều này giúp các đương sự yên tâm, tin tưởng ngồi lại với nhau để giải quyết bất đồng.

Ngoài ra, nếu được các bên đồng ý, hòa giải viên có thể mời những người có uy tín trong dòng họ, bạn bè tin cậy của mỗi bên cùng tham gia hòa giải, giúp các đương sự cân nhắc thấu đáo trước khi quyết định.

Mặt khác, đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng nhấn mạnh chi phí xét xử và thi hành bản án dân sự, hành chính rất tốn kém; việc tồn đọng các bản án dân sự, hành chính không được thi hành là rất lớn. Cụ thể, chi phí để mở một phiên tòa sơ thẩm là 5,5 triệu đồng, trong khi chi phí cho một vụ hòa giải là 1,2 triệu đồng. Với gần 40.000 vụ hòa giải thành công trong thời gian thí điểm vừa qua đã tiết kiệm cho ngân sách gần 132 tỷ đồng. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước cũng quy định không thu phí hòa giải và cũng có nước quy định mức thu thấp hơn nhiều so với án phí. Vì vậy, đại biểu đề xuất trước mắt chưa nên quy định về việc thu phí hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) lại cho rằng, cần xem xét kỹ về tính minh bạch của các quy định về tiêu chí, điều kiện để tiến hành hòa giải, đối thoại tại tòa án. Trong đó, điều kiện tiên quyết là có sự đồng thuận, tự nguyện của các đương sự và đây không phải giai đoạn bắt buộc trước khi thụ lý đối với tất cả các vụ việc hành chính, dân sự…

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trên cơ sở ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân Tối cao để nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu nhằm hoàn thiện, chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín.

Chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. 449/453 (92,96%) đại biểu tham gia đã biểu quyết tán thành thông qua dự án luật. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Với 445/450 (92,13%) đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. 

Sau đó, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. 435/455 (90,06%) đại biểu đã biểu quyết tán thành thông qua nghị quyết. Nghị quyết có hiệu lực kể từ khi Quốc hội biểu quyết thông qua.

Ngay sau đó, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Với 454/458 (94%) đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020.

Tiếp theo, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Với 441/458 (91,3%) đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết. Văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020; được tổ chức thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Cuối buổi chiều, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Với 448/449 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 92,75%, Quốc hội đã thông qua nghị quyết, trong đó quy định, thời gian thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2024.

* Hôm nay (27-11), theo chương trình làm việc, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày làm việc cuối cùng và bế mạc vào buổi chiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu quyết, thông qua 6 dự án luật, nghị quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.