Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến tài sản công thành của tư?

Bảo Nga| 01/06/2017 07:04

(HNM) - Liên quan đến vụ việc tranh chấp kéo dài diễn ra tại ngôi nhà thuộc sở hữu Nhà nước ở địa chỉ 35 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), ngày 8-6-2016 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, làm rõ và đề xuất phương án giải quyết.

Khu đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 35 Điện Biên Phủ đang do Viện SENA quản lý.


Tranh chấp kéo dài


Theo tài liệu, nhà đất tại 35 Điện Biên Phủ là nhà vắng chủ, được Nhà nước chính thức quản lý từ năm 1959. UBND TP Hà Nội là đại diện chủ sở hữu đã giao Công ty Kinh doanh nhà số 1 (KDN số 1) quản lý tài sản này.

Ngày 6-5-1997, Công ty KDN số 1 ký Hợp đồng thuê nhà số 22 cho Viện SENA (trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) thuê ngôi nhà hai tầng, diện tích 164m2 trên khuôn viên đất 538m2 tại 35 phố Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình. Thời hạn thuê từ 6-5-1997 đến 6-5-2000, với giá thuê 1.800 đồng/m2/tháng; mục đích thuê nhà để làm việc. Ngày 28-10-1997, Kiến trúc sư trưởng thành phố cấp Giấy phép xây dựng số 241, đồng ý cho Công ty KDN số 1 được xây 2 khối nhà (4 tầng và 7 tầng) tại 35 Điện Biên Phủ.

Trước đó, ngày 5-7-1997, Công ty KDN số 1 và Viện SENA ký Biên bản số 28, xác định giá trị công trình cũ dỡ bỏ và thỏa thuận quản lý, sử dụng diện tích sau xây dựng, cải tạo nhà 35 Điện Biên Phủ. Nội dung thỏa thuận nêu rõ: “Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và công trình hạ tầng kỹ thuật của ngôi nhà…”.

Tiếp đó, ngày 13-6-1998, Công ty KDN số 1 đã ban hành Thông báo số 775/KDN, ủy quyền cho Viện SENA cải tạo, xây dựng nhà làm việc tại 35 Điện Biên Phủ, bao gồm một khối nhà 4 tầng, diện tích xây dựng 137,38m2, tổng diện tích sàn trên 545m2 và một khối nhà 7 tầng, diện tích xây dựng 164,3m2, tổng diện tích sàn trên 1.287m2.

Sau khi xây dựng xong hai khối nhà, Viện SENA tiếp tục trả tiền thuê nhà cho Nhà nước đến hết tháng 12-2004 với đơn giá 1.800 đồng/m2/tháng. Vậy nhưng, kể từ 1-1-2005 đến nay, dù Công ty KDN số 1 nhiều lần yêu cầu ký tiếp hợp đồng thuê nhà nhưng đều bị Viện SENA từ chối.

Đáng nói, mặc dù từ chối thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, song từ năm 2007 Viện SENA lại ngang nhiên ký hợp đồng cho 4 tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài thuê lại một phần diện tích ngôi nhà trên với giá thuê từ 700 USD/tháng đến 1.800 USD/tháng. Cuối năm 2008, Viện SENA còn ký hợp đồng với Công ty cổ phần Gia Cát, cho phép công ty này độc quyền tiếp thị, tìm kiếm khách hàng sử dụng các dịch vụ tại ngôi nhà. Tuy nhiên, hợp đồng này sau đó không được thực hiện.

Trước những vi phạm của Viện SENA, ngày 10-3-2009, Sở Xây dựng Hà Nội có Công văn số 1370/SXD-QLN báo cáo UBND TP Hà Nội, đề nghị Viện SENA phải chịu trách nhiệm bồi hoàn toàn bộ tổn thất, thiệt hại và chi phí để thu hồi nhà tại 35 Điện Biên Phủ do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà thuê thuộc sở hữu Nhà nước.

Đề nghị này của Sở Xây dựng sau đó đã được Thanh tra thành phố thống nhất tại Kết luận thanh tra số 1918 ngày 13-10-2009. Ngay sau Kết luận thanh tra, Viện SENA đã có văn bản khiếu nại, khẳng định ngôi nhà tại 35 Điện Biên Phủ không thuộc sở hữu Nhà nước, nội dung kết luận của thanh tra là không rõ ràng và không có cơ sở pháp lý…

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Liên tiếp từ cuối năm 2009 đến cuối năm 2016, nhiều cơ quan chức năng, UBND TP Hà Nội đã vào cuộc, kiểm tra và ban hành nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc thu hồi nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại 35 Điện Biên Phủ, giao UBND quận Ba Đình quản lý để tổ chức lập dự án mở rộng trụ sở làm việc cho Công an quận Ba Đình, đồng thời, tạo điều kiện cho Viện SENA ký hợp đồng thuê một phần diện tích tại Cung Trí thức (quận Cầu Giấy) làm trụ sở làm việc mới. Song, Viện SENA vẫn tìm mọi cách khiếu nại, không chấp hành quyết định trên.

Trong lúc vụ việc đang “rối như canh hẹ”, bất ngờ ngày 3-9-2014, Thanh tra Bộ Xây dựng có Văn bản số 511/TTr-KNTC, gửi UBND TP Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của Viện SENA liên quan đến nhà đất tại số 35 Điện Biên Phủ. Tuy thừa nhận ngôi nhà trên thuộc quyền quản lý của Nhà nước, nhưng Thanh tra Bộ Xây dựng lại cho rằng: “Tuy nhiên, căn nhà cũ đã phá bỏ hoàn toàn và được xây mới bằng nguồn vốn tự có của Viện SENA. Vì vậy, căn nhà 35 Điện Biên Phủ sau khi xây mới như hiện nay, không hoàn toàn thuộc sở hữu Nhà nước”.

Từ nhận định trên, Thanh tra Bộ Xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải quyết vụ việc theo hướng: “Tiếp tục cho Viện SENA thuê ngôi nhà trên theo quy định hiện hành. Kinh phí do Viện SENA đầu tư xây dựng căn nhà trên được khấu trừ vào tiền thuê nhà”.

Tuy nhiên, trong Công văn số 7403/UBND-TNMT ngày 25-9-2014, UBND TP Hà Nội khẳng định: Tại Biên bản thỏa thuận số 28/XN-QLN ngày 5-7-1997 ký với Xí nghiệp Kinh doanh nhà Ba Đình và Sở Nhà đất Hà Nội; Thông báo số 775/KDN ngày 13-6-1998 của Công ty KDN số 1 ủy quyền cho Viện SENA thực hiện dự án cải tạo, xây dựng nhà, chính Viện SENA đã ký và thống nhất: “Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và diện tích sau cải tạo xây dựng do Công ty KDN số 1 quản lý…”.

Mặt khác, Viện SENA không phải là tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình sử dụng tài sản thuê, đơn vị này đã cố tình không trả tiền thuê nhà, tự ý cho các tổ chức nước ngoài thuê một phần diện tích nhà ở 35 Điện Biên Phủ… Từ căn cứ trên, UBND TP Hà Nội kết luận: “Việc khiếu nại của Viện SENA là không có cơ sở”.

Như vậy, những vi phạm của Viện SENA và chủ sở hữu thực sự của ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ đã được làm rõ. Để thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xử lý dứt điểm vụ việc, thu hồi khối tài sản trên của Nhà nước để sử dụng đúng mục đích. Đây cũng là bài học lớn trong việc buông lỏng quản lý tài sản công, gây thất thoát ngân sách, lãng phí tài sản Nhà nước, mà Công ty KDN số 1 là đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm.

Báo Hànộimới sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trên những số báo tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến tài sản công thành của tư?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.