Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến phế thải thành sản phẩm xuất khẩu

Vân Nga| 08/08/2019 07:39

(HNM) - Đã có một thời, người dân xã Vạn Điểm (huyện Thường Tín) rất khó khăn trong việc xử lý mùn cưa, dăm bào từ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống. Nhưng nay, nhờ những tìm tòi, sáng tạo của anh Nguyễn Đình Duy - một người con của quê hương, mùn cưa, dăm bào đã trở thành sản phẩm xuất khẩu làm nguyên liệu sản xuất giấy, thảm lát sàn... Công nghệ này thực sự là giải pháp hữu ích với người dân xã Vạn Điểm nói riêng và những làng nghề sản xuất đồ gỗ trên cả nước nói chung...

Anh Nguyễn Đình Duy (bên trái) kiểm tra sản phẩm bột gỗ tại xưởng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết, xã có 3 làng, trong đó, làng Vạn Điểm và Đặng Xá đã được công nhận là làng nghề đồ gỗ cao cấp truyền thống (năm 2001 và 2006). Hiện nay, toàn xã có đến 75% hộ làm nghề mộc, với hơn 200 doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất kinh doanh. Nghề mộc đã mang lại doanh thu lên tới 100 tỷ đồng/năm, chiếm 70% tỷ trọng kinh tế của địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường do bụi, mùn cưa, dăm bào của làng nghề luôn là thách thức đối với chính quyền và các cơ sở sản xuất.

Trong khi các cơ sở, hộ gia đình và doanh nghiệp còn đang loay hoay xử lý bằng việc đốt, thuê người đổ bỏ mùn cưa, dăm bào thì anh Nguyễn Đình Duy (33 tuổi), sinh ra và lớn lên trong gia đình sản xuất đồ gỗ ở làng Vạn Điểm đã suy nghĩ, tìm tòi giải pháp để thu gom phế thải và chế biến thành các sản phẩm hữu ích.

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, anh Nguyễn Đình Duy cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân năm 2008, anh đã mày mò áp dụng công nghệ xử lý mùn cưa, dăm bào thành than. Tại thời điểm đó, nhiều chủ xưởng sản xuất đồ gỗ đã “thở phào nhẹ nhõm” vì tìm được chỗ tiêu thụ phế thải mà từ trước đến nay họ không biết phải xử lý cách nào.

“Năm 2011, sau hơn 2 năm chế biến từ phế thải gỗ thành than, tôi nhận thấy công nghệ đốt than vẫn gây ô nhiễm môi trường nên quyết định chuyển sang công nghệ nghiền bột gỗ. Ưu điểm của công nghệ này là không gây ô nhiễm môi trường và mang lại giá trị cao hơn, có thể xuất khẩu được sang nhiều nước”, anh Nguyễn Đình Duy kể.

Từ những mày mò ban đầu đầu đó, đến nay anh Nguyễn Đình Duy đã gắn bó với việc thu gom mùn cưa, dăm bào để sản xuất bột gỗ các loại. Năm 2018, anh Duy thành lập Công ty cổ phần Bột gỗ NK Việt Nam. Hiện công suất sản xuất bột gỗ của công ty là 1.200 tấn/tháng và công ty đã có hợp đồng xuất khẩu bột gỗ cho một doanh nghiệp ở Hàn Quốc trong 10 năm. Không chỉ thu mua mùn cưa, dăm bào từ các cơ sở ở Vạn Điểm, công ty còn thu mua thêm ở một số làng nghề sản xuất đồ gỗ khác như: Đồng Kỵ (Từ Sơn - Bắc Ninh); La Xuyên (Ý Yên - Nam Định). 

Là cơ sở bán phế liệu cho anh Nguyễn Đình Duy, ông Nguyễn Văn Quảng (chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Thúy Quảng) ở thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm cho rằng: “Chúng tôi đã sử dụng túi hút bụi trong sản xuất để thu triệt để mùn cưa, dăm bào và ngăn bớt bụi ra môi trường. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở sản xuất của gia đình tôi thải ra 1 tấn mùn cưa, dăm bào và được Công ty cổ phần Bột gỗ NK Việt Nam thu mua 100%. Nhờ đó, chúng tôi vừa có thêm thu nhập lại vừa không mất công tìm cách xử lý như trước kia”.

Ghi nhận về mô hình thu gom, tái chế mùn cưa, dăm bào từ sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Đình Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Nguyễn Văn Khải cho biết: “Hiện nay, mỗi tháng Công ty cổ phần Bột gỗ NK Việt Nam đã thu gom 600 tấn mùn cưa, dăm bào ở 15 xưởng xẻ lớn và hơn 200 cơ sở sản xuất trên toàn xã Vạn Điểm. Việc làm này đã góp phần giúp địa phương khắc phục được tình trạng đổ phế thải gỗ về bãi rác và đốt tại các tuyến đường gây ô nhiễm môi trường. Đây là việc làm rất đáng được xã hội quan tâm và khuyến khích”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến phế thải thành sản phẩm xuất khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.