Những ngày qua, dư luận ồn ào chuyện một số lãnh đạo doanh nghiệp không được xuất cảnh do doanh nghiệp còn nợ thuế. Có doanh nghiệp nợ thuế rất ít, chỉ vài triệu đồng.
Nhiều ý kiến băn khoăn, trong khi doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, cần sự chia sẻ, hỗ trợ, nên chỉ với số nợ thuế rất ít mà cấm xuất cảnh là cứng nhắc. Chưa kể, có chủ doanh nghiệp không biết còn nợ thuế.
Vì thế, nên quy định số nợ phải lớn trên 100 triệu đồng mới đề xuất cấm xuất cảnh với người đại diện doanh nghiệp và cơ quan thuế cần phải thông báo cho doanh nghiệp biết số nợ và thời hạn trả nợ trước khi áp dụng các quy định khác để thu hồi.
Trước dư luận trên, Bộ Tài chính giải thích, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Còn theo cơ quan thuế, với trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã rà soát, đối chiếu, xác định nghĩa vụ nộp thuế trước khi gửi thông báo đến cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh và người nộp thuế. Hiện, số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất nhiều và đa số nợ kéo dài.
Vì vậy, để tránh rắc rối, người nộp thuế chủ động tra cứu nợ thuế trên hệ thống của ngành Thuế để hoàn thành nghĩa vụ trước khi xuất cảnh.
Thực ra, câu chuyện doanh nghiệp nợ thuế không mới. Hằng tháng, cơ quan thuế vẫn thông báo công khai danh sách các đơn vị, cá nhân nợ thuế và các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Sau khi thông báo công khai, cơ quan thuế phân loại đơn vị nợ để áp dụng biện pháp phù hợp. Đối với doanh nghiệp gặp khó khăn, cơ quan thuế xem xét hỗ trợ.
Thậm chí, với doanh nghiệp không còn tồn tại, không còn ở địa chỉ đăng ký, ngành Thuế thống kê, đề xuất xóa nợ. Trong giai đoạn dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, cơ quan chức năng đã khoanh, giãn thời hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, với số tiền lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhưng với doanh nghiệp được xác định có dòng tiền mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, cơ quan thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế thu.
Và việc cấm xuất cảnh với người đại diện doanh nghiệp nợ thuế cũng là một trong những giải pháp thu hồi nợ thuế cho ngân sách. Bên cạnh ý kiến băn khoăn, không ít ý kiến đồng tình với biện pháp này, vì trước pháp luật nợ thuế dù chỉ 1 triệu đồng cũng là vi phạm và cá nhân, doanh nghiệp nợ quá hạn đều cần áp dụng quy định để xử lý mà không phân biệt ít hay nhiều. Ngoại trừ lý do không biết, với số thuế nhỏ khoảng 1 triệu đồng mà lấy lý do khó khăn phải nợ là điều vô lý. Số tiền nợ nhỏ nhưng kéo dài là có dấu hiệu chây ỳ không chịu nộp trả ngân sách.
Thực ra vấn đề không hẳn là nợ ít hay nợ nhiều mà ở mức độ rủi ro được xác định. Điều đó có nghĩa, đơn vị nợ lớn nhưng được xác định do khó khăn sẽ được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn; đơn vị nợ lớn nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định, rủi ro thấp có thể không bị đề nghị cấm xuất cảnh. Ngược lại, dù nợ ít nhưng cơ quan thuế xác định có nhiều yếu tố rủi ro, chây ỳ thì buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi.
Trước pháp luật không có nợ ít hay nợ nhiều mà chỉ có nợ thuế quá hạn là vi phạm. Vì vậy, việc nợ thuế lớn hay nhỏ đều có thể bị tạm hoãn xuất cảnh cũng là cách để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Như quan điểm của ngành Thuế, tạm hoãn xuất cảnh là biện pháp cứng rắn cảnh báo người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.