(HNMCT) - Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2022, câu chuyện bảo tồn, phát huy giá trị di sản là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại buổi tọa đàm “Từ di sản đến thiết kế - nghệ thuật” diễn ra gần đây, nhiều dự án sáng tạo đã được giới thiệu đến công chúng, cho thấy sức sống của di sản trong đời sống hôm nay. Nhiều thế hệ nghệ sĩ luôn tự hào, tự tin khi thử nghiệm, lấy di sản làm nền tảng để sáng tạo những sản phẩm hiện đại mà vẫn đậm đà truyền thống.
Những “mảng màu” đa sắc
So với các nước trong khu vực, nghệ thuật diều sáo Việt Nam đã được khẳng định với vị thế hàng đầu, không chỉ bởi những cánh diều đầy màu sắc nghệ thuật dân gian, mà còn bởi sự độc đáo của tiếng sáo diều. Nhiều thế kỷ trước, cánh diều đã gắn bó với lũ trẻ chăn trâu trên triền đê lộng gió và là một nghi thức phổ biến của cư dân nông nghiệp để mong cầu mùa màng bội thu trong những ngày hội làng... Qua thời gian, cách chơi diều của người Việt được gìn giữ, bảo tồn và ngày càng phát triển trên cơ sở kế thừa nền tảng truyền thống, đặc biệt là bí quyết trong việc chế tạo những bộ diều sáo với âm thanh trong vắt, vang xa mà cánh diều vẫn bay cao. Đó cũng chính là niềm tự hào của người Việt và các nghệ nhân khi nghệ thuật diều sáo độc đáo được giới thiệu, gây ấn tượng mạnh với bạn bè quốc tế.
Nhiều năm qua, bên cạnh việc bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật diều sáo truyền thống, nghệ nhân Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa diều Việt Nam đã cùng nhiều nghệ nhân khác tìm tòi, đưa hình ảnh diều tiên lên vải nhằm khôi phục hình tượng tiên rồng thường thấy trong mỹ thuật dân gian Việt Nam để lan tỏa, quảng bá văn hóa truyền thống ra thế giới. Theo nghệ nhân Lê Thanh Bình, nghệ thuật diều sáo của Việt Nam mang bản sắc riêng, khác với diều của Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ hay Pháp... bởi điểm nhấn là bộ sáo mộc mạc được làm từ những nguyên liệu đơn giản. “Tiếng diều sáo Việt Nam được nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá như tiếng dương cầm, có thể dùng để trị liệu tâm lý. Nếu như diều ở các quốc gia khác chỉ đơn thuần phô diễn màu sắc, kích thước, độ cao thì diều Việt Nam luôn thu hút bởi hình dáng, màu sắc và bản sắc văn hóa tiềm ẩn. Vì thế, mỗi khi cánh diều Việt Nam bay trên bầu trời quốc tế thường thu hút sự chú ý của đông đảo bạn bè các nước” - nghệ nhân Lê Thanh Bình chia sẻ.
Là người có niềm đam mê mãnh liệt với mỹ thuật dân gian, 6 năm qua, nghệ sĩ trẻ tự do Nguyễn Xuân Lam (29 tuổi) đã có nhiều dự án sáng tạo, gây tiếng vang với công chúng. Có thể kể tới những dự án anh đã tham gia như: Vẽ lại tranh dân gian (2016 - 2017), Dự án nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng (2018), Cuộc gặp gỡ xưa - nay (2019), Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (2020), triển lãm Từ truyền thống tới truyền thống (2021)...
Xuyên suốt các tác phẩm, dự án của mình, Nguyễn Xuân Lam dành trọn tâm huyết cho các dòng tranh dân gian truyền thống Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng. Đam mê hội họa từ nhỏ, lại tự học kỹ năng thiết kế đồ họa trên máy tính, Nguyễn Xuân Lam liên tục thử nghiệm vẽ chì kết hợp với kỹ thuật chuyển màu gradient trong đồ họa và đã thành công trong việc tạo ra các phiên bản tranh dân gian hiện đại với sự sắc nét, tinh tế, phù hợp với thị hiếu đương đại và gần gũi với giới trẻ. Nguyễn Xuân Lam đã “phóng đại” các nhân vật múa lân, rồng trong tranh Hàng Trống và “cài” lên các cây tò he khổng lồ để trưng bày trong khuôn khổ các dự án nghệ thuật công cộng ở phố Phùng Hưng, Phúc Tân, mang lại không khí tươi vui, đầy màu sắc cho những khu vực từng là nơi tập kết rác.
Trên tinh thần trở về với văn hóa bản địa, tôn vinh quá trình sáng tạo chất liệu mới nhằm kiến tạo “truyền thống mới”, Nguyễn Quốc Hoàng Anh, CEO Lên Ngàn Culture Agency cùng nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước đã hợp tác trong các dự án âm nhạc sáng tạo như Âm - Thanh sắc - Màu, The Making of Sơn Hậu, See the sound hay Cõi thinh không... Trong những dự án này, các nghệ sĩ Việt Nam và nước ngoài đã cùng tìm ra điểm chung từ những loại nhạc cụ truyền thống và hiện đại, từ loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian - đương đại đầy tính đối lập như tuồng, chèo, hip-hop, dancer, âm nhạc cổ điển phương tây, âm nhạc thể nghiệm... để kết nối với nhau thông qua một điểm chung là giai điệu và nhịp truyền thống nhằm tạo nên những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, mang dấu ấn riêng. Đây chính là “truyền thống mới” mà các nghệ sĩ trẻ hướng tới, truyền tải tinh thần và hơi thở truyền thống đến đời sống đương đại.
Đi tìm tương lai cho truyền thống
Mặc dù ngày càng có nhiều người trẻ tìm về truyền thống, nhưng tương lai nào để văn hóa truyền thống tồn tại và phát triển, đó là câu hỏi khiến nhiều người suy nghĩ. Bảo tồn và phát triển luôn song hành với nhau, để giải quyết hài hòa mối quan hệ này, cần sự linh hoạt và những bước đi phù hợp. Theo nghệ nhân Lê Thanh Bình, việc bảo tồn di sản văn hóa cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng yếu tố gốc của di sản dưới góc độ vật thể; còn ở khía cạnh phi vật thể, cần có sự sáng tạo để di sản hòa mình vào dòng chảy cuộc sống. Bên cạnh đó, nghệ nhân Lê Thanh Bình cũng đề cập đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, theo đó, cần chủ động đưa di sản đến với cộng đồng bằng các hoạt động tương tác để phát huy giá trị chứ không thể để di sản “đóng băng” như hiện vật trưng bày trong bảo tàng.
Từ thực tiễn hoạt động, CEO Lên Ngàn Culture Agency Nguyễn Quốc Hoàng Anh cũng đồng tình với quan điểm về vai trò của cộng đồng trong việc đồng hành cùng nghệ sĩ, nghệ nhân bảo vệ di sản. Tuy nhiên, theo Nguyễn Quốc Hoàng Anh, việc bảo tồn di sản cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước trong việc điều tiết chính sách, tạo hành lang, cơ chế cởi mở nhằm thúc đẩy sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân và các hợp phần xã hội khác. Ngoài ra, không thể thiếu sự tham gia của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu nhằm cung cấp tư liệu tin cậy cho đội ngũ sáng tạo. “Hệ thống tư liệu về các loại hình nghệ thuật truyền thống chưa đầy đủ và bị mai một khá nhiều, gây không ít khó khăn cho những người muốn tham gia bảo vệ di sản, đặc biệt là thế hệ trẻ. Chúng tôi mong muốn có môi trường phù hợp để các nghệ sĩ lão thành truyền đạt kinh nghiệm, tri thức cho những nghệ sĩ trẻ trong quá trình thực hành di sản” - CEO Nguyễn Quốc Hoàng Anh nói.
Để trả lời cho câu hỏi tương lai nào cho di sản, họa sĩ - giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn cho rằng, không nên định kiến, "đóng" việc bảo tồn di sản vào một điểm nhìn nhất định mà nên đặt di sản trong môi trường thực hành, để di sản sống đúng đời sống của mình. “Đó là cách biến di sản thành tài sản, là nguồn khởi nghiệp tạo ra sinh kế, giá trị thương mại và văn hóa cho một thành phố sáng tạo” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Đánh giá cao về sức sáng tạo, đặc biệt là sự tìm về với văn hóa truyền thống của thế hệ trẻ hiện nay, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ cảm xúc tự hào về những dự án sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội. Theo bà, Hà Nội sở hữu khối lượng di sản văn hóa đồ sộ nhờ sáng tạo di sản của cha ông, điều đó được thế hệ hôm nay kế thừa, phát huy. Nhiều dự án sáng tạo hiện nay cho thấy, Hà Nội đã định vị bản sắc của mình trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO với dấu ấn đưa văn hóa truyền thống vào cuộc sống, thể hiện rõ việc thực hiện tốt các cam kết. Đây sẽ là cú hích để ngày càng có nhiều dự án sáng tạo trên nền tảng văn hóa truyền thống được hình thành, từ đó phát huy giá trị di sản trong đời sống đương đại, để di sản trở thành tài sản và động lực phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.