(HNM) - Những đánh giá được các nhà khoa học và các hãng dược phẩm công bố về mức độ hiệu quả của vắc xin đối với biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 đang làm gia tăng mối lo ngại về khả năng ứng phó của cộng đồng trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Hiện, các nhà khoa học và các nhà phát triển vắc xin đang tiếp tục chạy đua với thời gian để có thể phòng ngừa hiệu quả hơn trước các biến chủng Covid-19 mới.
Cuối tuần trước, Giáo sư Peter Piot, Hiệu trưởng Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London (Anh) cho biết, Công ty Công nghệ sinh học Novavax của Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy mặc dù vắc xin Covid-19 do công ty này sản xuất có hiệu quả gần 90% trong các thử nghiệm lâm sàng tại Anh nhưng tại Nam Phi, con số này đã giảm xuống chỉ còn 49%. Hầu hết các ca nhiễm được phân tích ở quốc gia châu Phi này đều liên quan đến biến chủng mới B.1.351 của vi rút SARS-CoV-2.
Trong khi đó, số liệu do Hãng Johnson&Johnson (Mỹ) công bố cho thấy loại vắc xin ngừa Covid-19 mới của hãng có hiệu quả 72% trong việc ngăn ngừa vi rút ở các bệnh nhân mắc bệnh vừa và nặng tại Mỹ, song tỷ lệ này giảm chỉ còn 57% tại Nam Phi. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng cho thấy các loại vắc xin của Hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), Hãng Moderna và Viện Y tế quốc gia Mỹ đều kích hoạt phản ứng miễn dịch thấp hơn đối với biến chủng Covid-19 ở Nam Phi.
Mới đây, theo thông tin do Cơ quan Y tế công cộng Anh đưa ra, biến thể B117 của vi rút SARS-CoV-2 lây lan nhanh lần đầu được phát hiện ở Anh đã có đột biến mới, có khả năng khiến cho việc kiểm soát bằng vắc xin trở nên khó khăn hơn. Ước tính tỷ lệ lây nhiễm của biến chủng này cao hơn từ 25% đến 40% so với các chủng SARS-CoV-2 khác. Đây là bằng chứng cho thấy vi rút đang trải qua quá trình tiến hóa đáng lo ngại.
Tạp chí khoa học Nature (Anh) dẫn các nghiên cứu công bố gần đây ghi nhận, biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 còn có khả năng lẩn tránh phản ứng miễn dịch tạo ra do vắc xin và lần nhiễm bệnh trước do chủng vi rút cũ gây ra. Các nhà khoa học cũng nhận thấy, lượng protein trên bề mặt của biến chủng vi rút mới tăng đột biến, trong khi các loại vắc xin ngừa Covid-19 hiện tại mới chỉ giúp hệ thống miễn dịch nhận ra một số protein nhất định. Trước đây, các nhà nghiên cứu cho rằng phải mất vài tháng hay vài năm để vi rút có khả năng kháng vắc xin. Trên thực tế, tốc độ này đã được đẩy nhanh hơn do sự lây lan khó kiểm soát của đại dịch. Mỗi ca nhiễm sẽ là một cơ hội để vi rút đột biến ngẫu nhiên.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Cố vấn y tế hàng đầu của Chính phủ Mỹ cho rằng, cần tiêm chủng ngay khi vắc xin sẵn có. Sở dĩ phải làm như vậy là bởi vi rút sẽ không thể đột biến nếu chúng không nhân lên, và điều này có thể được ngăn chặn thông qua tiêm chủng rộng rãi. Tiến sĩ A.Fauci cũng nhận định, dù các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin, nhưng vắc xin vẫn có đủ khả năng bảo vệ người dân trước tình huống hiểm nghèo như phải nhập viện hoặc đối mặt với nguy cơ tử vong. Do đó tầm quan trọng của việc tiêm chủng là không thể bàn cãi.
Cần thêm nhiều nghiên cứu khoa học sâu rộng hơn để có thể đưa ra kết luận chính xác về ảnh hưởng của các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Nam Phi, Brazil và Mỹ đối với hiệu quả của vắc xin. Song, tác dụng của các loại vắc xin sẵn có vẫn được ghi nhận trong việc làm giảm độc tính của vi rút. Trong nỗ lực giúp người dân nhanh chóng tiếp cận với vắc xin để tăng cường hiệu quả phòng chống dịch, Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX) đã gửi số lượng chỉ định vắc xin ngừa Covid-19 tới 190 nước vào cuối tuần trước, đồng thời đặt mục tiêu phân phối ít nhất 2 tỷ liều trên khắp thế giới trong năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.