(HNMO) - Biến chứng bàn chân là biến chứng khá phổ biến của người bị đái tháo đường. Đa số bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn muộn, khi vết loét lan rộng, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử.
Những bàn chân băng bó - phần nổi của tảng băng
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương có một khoa với tên gọi rất đặc biệt: Khoa Chăm sóc bàn chân. Công việc chính của các y, bác sĩ ở đây không phải là chăm sóc những gót sen ngọc ngà như ở các thẩm mĩ viện mà là “giải cứu” cho những đôi chân bị nhiễm trùng, lở loét… của bệnh nhân đái tháo đường lâu ngày.
Dạo quanh một vòng các buồng bệnh ở khoa, đa số các bệnh nhân ở đây đều có chân đau nhức, viêm sưng phải băng bó, phẫu thuật đoạn chi… vì biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Biến chứng bàn chân trở thành biến chứng nặng nề, là một trong nguyên nhân gây tàn phế cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: QUANG THÁI |
Ông Phạm Văn Ch (Thái Bình), năm nay 71 tuổi, đã phải cắt bỏ nửa bàn chân vì biến chứng do đái tháo đường. Bà Nguyễn Thị X (Sóc Sơn, Hà Nội), 74 tuổi, cho biết bà phát hiện tháo đường đường được 11 năm nay và vẫn sống chung với bệnh. 8 năm trước, bà phải cắt 1/3 chân trái do tắc mạch, hoại tử, nay nhập viện vì bị ngã gãy xương do bệnh lý (loãng xương ở người già), nhưng vì biến chứng của bệnh đái tháo đường đường (kiểm soát đường huyết kém) nên vết thương lâu lành.
Tại phòng kế bên, ông Nguyễn Xuân S (Hà Nội) cũng đang phải điều trị do biến chứng bàn chân của căn bệnh đái tháo đường. Ông kể, ông được phát hiện bệnh cách đây 11 năm nhưng khi ấy rất chủ quan vì bệnh chưa gây đau đớn và phiền toái. Ông vẫn thường xuyên tham gia các buổi nhậu, uống quá chén cũng như không chú ý tới chế độ ăn uống. 4 năm trước, ông chỉ dùng thuốc nam. Giờ ông không thể ngờ căn bệnh lại có thể gây biến chứng nặng đến vậy, các bác sĩ phải cắt bỏ chân để giữ lấy mạng sống cho ông.
Ông Nguyễn Bá C (Bắc Ninh), 62 tuổi, được phát hiện mắc đái tháo đường 17 năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, ông không đến bệnh viện mà thường tự mua thuốc uống tại nhà và do bận rộn công việc nên uống thuốc không đều đặn. Khi thấy xuất hiện một vài mụn nước nhỏ ở lưng, ông cạy làm chúng vỡ, loét ra, uống kháng sinh 5 ngày nhưng khối áp xe không đỡ mà ngày càng lan rộng, chuyển sang màu đen bầm như tụ máu. Rồi ông sốt, mê man, được chuyển tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng tấy đỏ, loét, hoại tử nghiêm trọng ở lưng. Các bác sĩ đã phải cắt lọc phần thịt hoại tử và áp dụng các biện pháp điều trị cần thiết...
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện chăm sóc bệnh nhân. Ảnh QUANG THÁI |
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, hầu hết những bệnh nhân đến khoa thường đã tổn thương rất nặng, nhiều bệnh nhân bị hoại tử lan rộng vào tận xương, từng điều trị ở tuyến dưới hoặc các bệnh viện khác không thành công.
“Phần nổi” của tảng băng mà ai cũng nhìn thấy như bệnh nhân bị loét chân, vết thương đã hoại tử và nặng mùi phải đoạn chi…, nhưng “phần chìm” của nó, hay chính xác hơn là căn nguyên của những hậu quả này, không phải ai cũng biết.
Có những bệnh nhân thắc mắc với bác sĩ: “Tôi bị bệnh đái tháo đường chỉ 2 năm nay nhưng sao lại nặng thế này?”. Thực ra, đó chỉ là mốc thời gian phát hiện ra bệnh chứ căn bệnh đái tháo đường đã diễn tiến âm thầm từ lâu trong người bệnh nhân.
Nguyên nhân nằm ở những “phần chìm”
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, những biến chứng bàn chân dẫn đến phải đoạn chi ở người bệnh đái tháo đường đang báo động tại Việt Nam. Sở dĩ số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng vì những nguyên nhân “chìm” sau:
Biến chứng thần kinh: 50-90% người đái tháo đường có biến chứng thần kinh. Biểu hiện thường gặp nhất là tê bì, ngứa và lạnh bàn chân, cảm giác bỏng rát. Nặng hơn nữa là mất cảm giác nên không thể cảm nhận được chân đã bị tổn thương.
Biến chứng đái tháo đường gây loét bàn chân. |
Khi có biến chứng thần kinh, bệnh nhân không còn nhạy cảm với những kích thích đau thông thường, không nhận biết được vết cắt hoặc vết thương ở chân, vì vậy, các vết loét thường xuất phát từ những chấn thương nhỏ. Điều đó có nghĩa là một vết thương nhỏ có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng bởi không được điều trị kịp thời, chỉ khi chân bị sưng to hoặc có nhiễm trùng nặng, loét chân thì mới biết. Khi đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều trị thường không đạt kết quả tốt.
Các bệnh nhân đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể. Theo các nghiên cứu, khoảng 20% bệnh nhân đái tháo đường có hẹp hoặc tắc các động mạch ở chân. Hiện tượng kém nuôi dưỡng do máu đến ít sẽ hạn chế khả năng điều trị khỏi nhiễm trùng và lành các vết loét. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ.
Bác sĩ bệnh viện Nội tiết Trung ương chăm sóc bệnh nhân. Ảnh QUANG THÁI |
Các bệnh nhân đái tháo đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường, lý do là đường máu cao và tuần hoàn máu kém làm cho các phản ứng bảo vệ chống nhiễm trùng ở các bệnh nhân này diễn ra chậm hơn và kém hiệu quả hơn.
Mặt khác, đa số các bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam là những người lao động, hàng ngày họ tiếp xúc trực tiếp với các nguồn vi khuẩn rất lớn, vì vậy, nếu có bất kỳ một vết loét nào thì nguy cơ bị nhiễm trùng cũng như nguy cơ ổ nhiễm trùng lan rộng là rất lớn.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như béo phì (làm tăng áp lực lên bàn chân), giảm thị lực (gây dễ ngã hoặc chấn thương bàn chân, khó phát hiện các tổn thương ở bàn chân), bị bệnh đái tháo đường đã lâu, kiểm soát đường máu kém (khó liền vết thương), bệnh thận (gây mất protein nên khó liền vết thương), rối loạn mỡ máu gây xơ vữa các động mạch cấp máu cho chân, đi giày hoặc tất không thích hợp... và cuối cùng là những người đã có tiền sử bị loét chân hoặc cắt cụt chân thì nguy cơ bị loét chân cũng sẽ tăng lên.
Phòng chống biến chứng bằng cách chăm sóc bàn chân thật tốt
Để phòng chống biến chứng bàn chân ở người bị đái tháo đường, các bác sỹ trong khoa Chăm sóc bàn chân khuyên bệnh nhân phải có thói quen kiểm tra sức khỏe, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ, không bỏ qua các dấu hiệu bất thường.
Bệnh nhân đái tháo đường cần chăm sóc đôi chân thật kỹ. |
Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì, phải đi khám ngay tại những cơ sở y tế có chuyên môn tin cậy. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân. Với những vết thương dù rất nhỏ, người đái tháo đường cũng cần đến chuyên khoa để xử lý.
Cách chăm sóc bàn chân của bệnh nhân đái tháo đường được các bác sỹ ở đây ví von như chăm sóc khuôn mặt của mình: “Cũng được xoa kem, cũng được rửa ráy, tỉa tót và theo dõi thật kỹ”. Buổi tối trước khi đi ngủ, người bệnh đái tháo đường nên kiểm tra bàn chân. Chọn một nơi có đủ điều kiện ánh sáng để quan sát bàn chân và các kẽ chân xem có vết xước, vết phồng rộp, vết thâm…
Nếu bệnh nhân không tự cúi xuống kiểm tra được thì có thể dùng gương để quan sát hoặc nhờ người thân kiểm tra giúp. Bệnh nhân cần mở từng kẽ ngón để kiểm tra vì kẽ ngón là nơi bắt đầu của nhiễm trùng. Khi rửa chân hằng ngày, bệnh nhân chỉ dùng nước mát hoặc nước ấm, do người nhà trực tiếp kiểm tra.
Hướng dẫn chăm sóc đôi chân cho bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường). |
Theo các bác sỹ ở khoa Chăm sóc bàn chân, phần lớn bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng thần kinh ngoại vi bàn chân bị tê bì hoặc mất cảm giác. Khi bị tê bì, nhiều bệnh nhân thường học dân gian ngâm chân bằng nước nóng.
Các bác sỹ khuyên bệnh nhân đái tháo đường không nên sưởi ấm chân bằng các phương pháp vật lý nhiệt nóng như dùng đá muối, sưởi bằng lò than, sưởi bằng viên gạch nung nóng cũng như không dùng nước nóng để xông hơi bàn chân hoặc ngâm chân, không đốt lá ngải hơ chân, không dùng chăn điện… vì rất dễ gây bỏng do người bệnh không kiểm soát được cảm giác của mình.
Đã từng có những bệnh nhân dội cả phích nước sôi vào chân, bỏng tuột da từ đầu gối trở xuống, khiến các bác sỹ phải mất nhiều thời gian chăm sóc, điều trị chống nhiễm trùng, vá da, cắt lọc hoại tử…
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, biến chứng bàn chân có thể ngăn ngừa được bằng cách phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, tuân thủ liệu trình điều trị như chế độ ăn, chế độ luyện tập, chế độ chăm sóc, chế độ dùng thuốc…
“Chỉ khi bệnh nhân đái tháo đường có ý thức chăm sóc sức khỏe cho mình mới giúp đội chăm sóc bàn chân chúng tôi đỡ vất vả” - bác sĩ Thiện bày tỏ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.