Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Công Thương

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành| 13/09/2018 08:44

(HNMO) - Sáng 13-9, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội làm việc với Sở Công Thương về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ 8 tháng và phương hướng, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2018.

Quang cảnh hội nghị


Cùng tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Tạo điều kiện cho công nghiệp, thương mại phát triển

Thay mặt lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Giám đốc sở Trần Thị Phương Lan cho biết, Đảng bộ Sở Công Thương có 12 chi bộ trực thuộc với 279 đảng viên. Cơ cấu tổ chức của sở gồm Ban Giám đốc (4 người), 6 phòng và 2 đơn vị trực thuộc là Chi cục Quản lý thị trường và Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển doanh nghiệp. Tổng số cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng của sở hiện có 806 người.

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết của HĐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Sở Công Thương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu về lĩnh vực được giao, tạo điều kiện cho ngành phát triển đúng hướng, đáp ứng được các mục tiêu phát triển và yêu cầu quản lý nhà nước trên địa bàn Hà Nội. Sở cũng đã chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực công thương phát triển.

Báo cáo làm rõ kết quả công tác xây dựng Đảng và 8 nhóm nội dung lĩnh vực như: Công nghiệp, thương mại, quản lý năng lượng, thanh tra và kiểm tra, kiểm tra và kiểm soát thị trường, cải cách hành chính... Đáng chú ý, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp thành phố 8 tháng năm 2018 tăng 7,4% (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,5%). Kim ngạch xuất khẩu đạt 9.160 triệu USD, tăng 19% (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,5%). Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ đạt 1.602.000 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 323.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đã thu hút được một số dự án quy mô lớn, trong đó có 4 dự án trung tâm thương mại ở 3 huyện Đông Anh, Gia Lâm và Thanh Trì. 8 tháng qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 7.130 trường hợp, xử lý 6.718 vụ vi phạm, phạt hành chính gần 50 tỷ đồng, tịch thu số hàng hoá trị giá 19 tỷ đồng...

Báo cáo của Sở cũng nêu 11 hạn chế, khó khăn về công nghiệp, thương mại và quản lý năng lượng; đề xuất, kiến nghị thành phố 20 nội dung. Đáng chú ý, Sở kiến nghị thành phố sớm đánh giá hiệu quả hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch (thuộc UBND thành phố) để khắc phục những vấn đề chồng chéo, bất cập đang nảy sinh. Thành phố chỉ đạo đôn đốc, xử lý dứt điểm các dự án thương mại chậm triển khai, vì theo kết quả giám sát của HĐND thành phố, trong 161 dự án sử dụng đất chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, có 47 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đồng thời, thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, bố trí quỹ đất, căn cứ quy hoạch và nhu cầu phát triển của địa phương để lập danh mục chi tiết các vị trí đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng thương mại...

Lãnh đạo các phòng, ban của Sở cũng đã phân tích, làm rõ những hạn chế, khó khăn; đại biểu lãnh đạo các sở, ban, ngành trao đổi, thảo luận, giải đáp kiến nghị. Nổi lên trong các trao đổi là sự phối hợp giữa các sở, ngành liên quan với ngành Công Thương còn bất cập, hiệu quả chưa cao.

Mạnh dạn đổi mới, nâng tầm tư duy và hành động

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương, đánh giá cao Sở Công Thương thời gian qua đã chăm lo, làm tốt công tác xây dựng Đảng, nhất là làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên; công tác phát triển Đảng. Đảng bộ Sở đã thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động ngành Công Thương đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kết luận buổi làm việc.


Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy, thời gian tới, Sở Công Thương cần rà soát, làm rõ những hạn chế, khó khăn để tập trung khắc phục. Tiềm năng phát triển công nghiệp của thành phố rất lớn, nhưng hiện nay, mức độ phát triển chưa tương xứng, thậm chí đang chững lại. Kết quả xuất khẩu nhìn chung cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cơ cấu thành phần kinh tế trong xuất khẩu còn nghiêng quá lớn về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành Công Thương Thủ đô phải chủ động tham mưu về cơ chế, chính sách để định hướng phát triển công nghiệp, thương mại, trong đó có xuất khẩu, để Hà Nội thực sự phát huy vai trò, vị trí là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước...

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ Sở Công Thương xác định trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy lưu ý thêm một số vấn đề. Trong đó, Sở Công Thương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, duy trì đoàn kết nội bộ; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch, hướng dẫn của thành phố về tổ chức bộ máy theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; phát huy năng lực, trình độ, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến.

Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Công Thương cần chủ động rà soát quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm đi trước, đón đầu xu hướng đô thị hoá của thành phố, trong đó có việc một số huyện đang được quy hoạch trở thành quận; phát triển mô hình chợ nông thôn gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển du lịch. Sở phối hợp với các sở, ngành, địa phương thúc đẩy tiến độ xây dựng các khu, cụm công nghiệp, trong đó có các cụm công nghiệp làng nghề; trọng tâm là phát triển công nghiệp vùng phía Nam thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, ngành Công Thương làm tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường, góp phần xây dựng môi trường thương mại văn minh, lành mạnh; ngăn chặn vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý thương mại điện tử... Đặc biệt, Sở Công Thương cần mở nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại để nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ và tham mưu các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Hoàng Trung Hải đề nghị, cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Sở Công Thương mạnh dạn đổi mới, nâng tầm tư duy và hành động, quyết tâm cùng thành phố xây dựng ngành công nghiệp và thương mại phát triển mạnh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Đồng chí tin tưởng, với tinh thần năng động, sáng tạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương Hà Nội sẽ khắc phục được hạn chế, khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tiếp thu ý kiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng khẳng định, Sở sẽ cụ thể hoá những chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc thành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Công Thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.