(HNMO) - Chiều 10-5, Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị trực tuyến với UBND thành phố, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ trì hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành phát huy sáng kiến tổ chức kiểm soát dịch Covid-19 theo mô hình 3 lớp để bảo đảm vừa chặn đứng đà lây nhiễm, vừa hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Trước mắt, người đứng đầu các cấp, các ngành không được rời địa bàn để tập trung phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Tham dự có lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các sở, ban, ngành thành phố; lãnh đạo cấp ủy, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện, thị xã.
Nguy cơ phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng rất cao
Báo cáo nhanh tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, từ ngày 29-4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 46 ca mắc trong cộng đồng tại nhiều quận, huyện. Chủ động ứng phó với tình hình dịch, Thường trực Thành ủy đã quyết liệt chỉ đạo, huy động toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố vào cuộc; các cấp ủy, chính quyền xác định phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, ưu tiên hàng đầu. Nhờ thần tốc truy vết, bao vây, xử lý dập dịch kịp thời, đến nay thành phố vẫn cơ bản kiểm soát được lây nhiễm từ các chùm ca bệnh trên địa bàn.
Thành phố đã khẩn trương phong tỏa, thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với 28 khu vực. Hà Nội cũng đã xét nghiệm 24.973 người bao gồm các trường hợp F1 và có nguy cơ cao; tiêm vắc xin cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch với tổng số 69.677 liều. Toàn thành phố đã xử lý vi phạm 1.316 trường hợp không đeo khẩu trang với mức tiền phạt trên 2 tỷ đồng (số liệu từ 18 quận, huyện, thị xã). Lực lượng công an, quân đội và các lực lượng liên quan phối hợp bảo đảm tốt công tác an ninh trật tự trên địa bàn thành phố, đặc biệt tại các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly tập trung...
Dự báo tình hình thời gian tới, Sở Y tế khẳng định, tại Việt Nam, trong đợt dịch này đã ghi nhận nhiều ca mắc tại nhiều địa phương, mầm bệnh đã lưu hành trong cộng đồng. Chủng vi rút lần này là các biến thể của Ấn Độ, Anh, Nam Phi có tốc độ lây lan rất nhanh. Các ca bệnh tại Hà Nội đều xác định được nguồn lây truyền, tuy nhiên nguy cơ phát sinh thêm các ca mắc mới trong cộng đồng vẫn rất cao.
Phát huy kinh nghiệm “3 trước”, “4 tại chỗ”
Trao đổi về kinh nghiệm của huyện Đông Anh, nơi được lãnh đạo thành phố coi là điểm sáng phòng, chống dịch, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, ngay khi phát hiện ca bệnh, huyện đã triển khai toàn bộ kịch bản ứng phó dịch bệnh ở mức cao nhất, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; đồng thời thực hiện “3 trước” là đánh giá nhận định trước, chuẩn bị phương án trước, phát hiện hành động trước gắn với thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Ngay sau khi kích hoạt phương án, huyện chuẩn bị sẵn sàng vật tư phương tiện tập hợp ở tất cả 155 nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố. Vì vậy, khi phát hiện ca bệnh, thực hiện yêu cầu phong tỏa, cách ly tại các ổ dịch, chỉ trong vòng 6 giờ từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau, huyện đã triển khai xong các chốt kiểm tra, kiểm soát. Huyện đã thiết lập 3 vòng kiểm soát từ cách ly ở tâm dịch; đồng thời vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay cả ở nơi thực hiện cách ly.
Bí thư Huyện ủy Đông Anh kiến nghị thành phố sớm tiêm vắc xin trên diện rộng; chỉ đạo xây dựng bệnh viện dã chiến ở tất cả các quận, huyện, thị xã; chỉ đạo Ban Quản lý Các khu công nghiệp, khu chế xuất thành phố phải làm tổng chỉ huy phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp để biến mỗi doanh nghiệp, mỗi phân xưởng trở thành một tổ Covid-19 cộng đồng.
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Lê Tiến Nhật, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, tình hình diễn biến dịch trên địa bàn vẫn rất phức tạp.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho rằng phải thống nhất nhận thức là đợt bùng phát này phức tạp hơn rất nhiều đợt bùng phát tại tỉnh Hải Dương đầu năm nay. Vì chỉ riêng trong số F1 tiếp nhận cách ly vừa qua đã có 13 ca dương tính với tỷ lệ 2,5%, cao hơn nhiều các đợt trước.
Đồng chí Nguyễn Quốc Duyệt kiến nghị thành phố nâng mức độ phòng, chống dịch lên cao nhất, đồng thời chỉ đạo các địa phương sẵn sàng phương án cách ly F1 tại chỗ, phát hiện là thực hiện cách ly ngay.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố cũng nhất trí đề nghị thiết lập ngay các khu cách ly ở mỗi quận, huyện, thị xã.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở đã xây dựng các phương án phục vụ nhu cầu cung cấp hàng hoá cho người dân theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 đảm bảo”; trong đó đã bảo đảm nguồn hàng dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng.
“Chúng tôi đề nghị người dân không cần mua hàng hóa tích trữ vì nguồn hàng đã được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm giá cả bình ổn”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương nói.
Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, Ủy ban Bầu cử thành phố đã chuẩn bị các phương án phù hợp với tình hình, diễn biến dịch bệnh; trong đó đã kiến nghị với Hội đồng Bầu cử quốc gia về bố trí phương tiện, con người và thay đổi điểm bỏ phiếu phù hợp với yêu cầu cách ly y tế nơi có dịch.
Nhất trí với các kiến nghị, đề xuất và các ý kiến nêu trên, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, ngay sau hội nghị này thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, UBND thành phố sẽ ra Công điện mới nhằm nâng yêu cầu chống dịch lên mức mới; trong đó bảo đảm thực hiện đồng bộ, đúng nguyên tắc, nhất quán, phù hợp, chủ động, quyết liệt, kịp thời, linh hoạt; truy vết đến cùng, cách ly tuyệt đối F1, quản lý chặt chẽ F2.
Thiết lập 3 lớp kiểm soát dịch
Kết luận hội nghị, nhất trí nhận định dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong đợt dịch này, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp, ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố và kêu gọi các cán bộ, đảng viên và nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không bi quan, lo lắng thái quá.
Lưu ý 3 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo phải ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, “thần tốc” hơn nữa.
Các đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị từ quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố trước mắt không rời khỏi địa bàn để tập trung phòng, chống dịch; mỗi đồng chí phải thực sự là những “tư lệnh” trên mặt trận chống dịch với phương châm “4 tại chỗ”, “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, với các giải pháp phù hợp từng đặc điểm, điều kiện, thời điểm của từng địa bàn, khu vực thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đó là phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn, không để một người chủ quan, cả xã hội phải vất vả, đồng thời cũng không thực hiện giãn cách, phong tỏa một cách cực đoan, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Bí thư, Chủ tịch các cấp phải vào cuộc với tinh thần cao nhất, "chống dịch như chống giặc", mỗi tỉnh là một pháo đài, mỗi huyện là 1 pháo đài, mỗi xã là 1 pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ, là 1 thành viên của pháo đài, thì chúng ta mới ngăn chặn được dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng chỉ đạo UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã thiết lập ngay các khu vực cách ly ở mỗi địa phương. Khi phát hiện ổ dịch, các địa phương phải áp dụng mô hình sáng tạo trong kiểm soát theo 3 lớp như đã triển khai rất hiệu quả tại huyện Đông Anh và một số nơi khác vừa qua. Trong đó, đối với vòng trong cùng như thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh hay tầng 20 toà nhà Legacy (quận Thanh Xuân) phải thực hiện cách ly tập trung như Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vòng hai thiết lập ở mức thấp hơn như yêu cầu của Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; vòng ngoài cùng áp dụng như yêu cầu của Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mô hình này phải áp dụng chặt chẽ, nhưng hết sức linh hoạt để vừa khoanh vùng, cách ly hiệu quả đúng đối tượng, vừa không “ngăn sông cấm chợ”, cản trở hoạt động bình thường của người dân, nhất là duy trì sản xuất, kinh doanh.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe, tính mạng và sự bình yên của nhân dân, trong đó phải tiếp tục thực hiện tốt phương châm: Thần tốc truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng, thực hiện tốt biện pháp “5K”, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, huy động cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng vào cuộc, chung tay phòng chống dịch.
Trong quá trình đó, các cấp, các ngành phải quán triệt tinh thần vừa kịp thời động viên những nơi làm tốt, nhân rộng phổ biến những mô hình hay, kinh nghiệm tốt; vừa kiên quyết phê bình, kỷ luật nghiêm minh những nơi làm chưa tốt, có biểu hiện lơ là, chủ quan, thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm các quy định phòng, chống dịch. Kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay chính là thước đo sức mạnh của hệ thống chính trị, thước đo năng lực, uy tín của tổ chức Đảng và người đứng đầu, thước đo đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
“Về cơ chế thông tin, báo cáo đề nghị thực hiện khẩn trương, tốc độ “như thời chiến”, tăng cường ứng dụng thông tin qua các kênh, bảo đảm kịp thời cho phục vụ yêu cầu lãnh đạo chính xác, hiệu quả, phải có báo cáo giờ, thậm chí từng phút theo diễn biến của dịch”, Bí thư Thành ủy chỉ đạo.
Lưu ý từ nay đến ngày bầu cử không còn nhiều, trong khi đó diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện tốt công tác chuẩn bị, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thành công, an toàn, đúng luật, bầu đúng, bầu đủ số lượng, bảo đảm chất lượng. Đồng chí nhấn mạnh: “Dù tình huống nào diễn ra, ngay cả cách ly xã hội thì cũng phải quyết tâm để tổ chức cuộc bầu cử thực sự là ngày hội của nhân dân Thủ đô”.
Bí thư Thành ủy tin tưởng, phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được, cùng với truyền thống đoàn kết, trách nhiệm, với tinh thần quyết tâm, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ chiến thắng được dịch bệnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, tổ chức thành công cuộc bầu cử, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.