Chiều 21-7, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đến thăm, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội (phường Biên Giang, quận Hà Đông).
Chiều 21-7, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023), đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đến thăm, tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội (phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội). Cùng đi có lãnh đạo một số sở, ban, ngành thành phố.
Bí thư Thành ủy và đoàn đã thăm hỏi và tặng quà các thương binh, bệnh binh đang được chăm sóc tại Trung tâm. Trò chuyện với người có công và cán bộ, nhân viên tại đây, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô mãi mãi khắc ghi, biết ơn những cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, gia đình người có công đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc. Trong những năm qua, các cấp, các ngành thành phố đã thực hiện đúng, đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công; không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, từng bước nâng cao đời sống gia đình người có công, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm 2023, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân thiết thực như dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào, Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn, Khu tưởng niệm 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã Ba Đồng Lộc; thăm và làm việc với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An...
Thành phố cũng đã tặng quà các đối tượng người có công, cá nhân, tập thể tiêu biểu; tổ chức dâng hương tại Tượng đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Bắc Sơn và các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố. Thành phố đã vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được 22,9 tỷ đồng, tặng 1.254 sổ tiết kiệm tình nghĩa (mức thấp nhất là 3 triệu đồng/sổ), tu sửa nâng cấp 35 công trình ghi công liệt sĩ, 143 nhà ở cho hộ gia đình người có công...
Hiện nay, toàn thành phố có 6 trung tâm thực hiện nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công và quản trị, điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam dioxin với 164 đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng thường xuyên, gần 39.000 lượt người được chăm sóc, điều dưỡng hằng năm.
Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội được thành lập từ năm 1992 với chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công với cách mạng của thành phố Hà Nội. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 4 thương, bệnh binh nặng và thực hiện điều dưỡng với chỉ tiêu 2.000 lượt người/năm. Năm 2023, trung tâm được giao chỉ tiêu điều dưỡng 3.510 lượt người có công, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện điều dưỡng được 2.213 lượt người, đạt hơn 60% kế hoạch.
Các thương binh, bệnh binh được chăm sóc, điều trị vết thương, hướng dẫn tập luyện thể thao phục hồi chức năng. Trung tâm còn dành nhiều tâm huyết nghiên cứu đổi mới các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc, điều dưỡng người có công như tổ chức tham quan, du lịch tạo tâm lý vui tươi, thoải mái cho người có công. Nhiều năm qua, Trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và thành phố khen thưởng.
Ghi nhận những kết quả tích cực của Trung tâm, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đồng thời lưu ý, đối với nhiệm vụ chăm sóc người có công, xã hội cần quan tâm giúp đỡ nhiều hơn nữa. Để tiếp tục thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, “đền ơn, đáp nghĩa”, Đảng bộ, chính quyền thành phố xác định, làm tốt các chính sách chăm sóc người có công là trách nhiệm và việc làm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo đề xuất, nghiên cứu các chính sách đặc thù ưu đãi người có công của thành phố; tham mưu thành phố nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, bảo đảm các điều kiện tốt nhất chăm lo cho người có công cả vật chất và tinh thần, coi đây vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm, là bổn phận không chỉ của Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố.
Quận ủy Hà Đông phối hợp với các sở, ngành thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi để Trung tâm hoạt động hiệu quả và tích cực. Đối với Trung tâm Điều dưỡng người có công số II Hà Nội, Bí thư Thành ủy đề nghị mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chăm sóc các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công chu đáo như người thân ruột thịt của mình để bù đắp phần nào mất mát của người có công; coi đây là tình cảm, vinh dự, là trách nhiệm cao cả mà Đảng, Nhà nước giao cho, ngày càng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc người có công.
Cơ bản đồng tình, ghi nhận với các kiến nghị, đề xuất của Trung tâm, Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành đề xuất giải quyết trên tinh thần bảo đảm các chế độ cho người có công và cán bộ phục vụ để cán bộ Trung tâm yên tâm chăm lo, phục vụ điều dưỡng người có công ngày càng chu đáo và chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.