(HNMO) - Chương trình giao lưu trực tuyến giải đáp những thắc mắc xung quanh nội dung trên với chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong và đại diện các doanh nghiệp có các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường diễn ra chiều 30/3 trên Báo điện tử VnMedia
Tại buổi giao lưu trực tuyến |
Buổi giao lưu cũng là một hoạt động thiết thực của VnMedia nhằm hưởng ứng “Giờ trái đất” (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 thứ 7 ngày 31/3), cùng xã hội hành động về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Giá điện tăng, đặc biệt là phần tính lũy tiến rất cao khiến nhiều gia đình “đau đầu” tìm cách tiết kiệm điện. Một độc giả ở Hải Phòng (email myhoang@gmail.com) nêu câu hỏi cụ thể với TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội: “ Gia đình tôi gồm 8 người: ông bà, vợ chồng tôi, 2 con nhỏ và thêm 2 người em. Một tháng dùng hết gần 3 triệu tiền điện (nếu có dùng điều hòa). Tôi đọc hóa đơn thấy phần tính lũy tiến rất cao. Vậy để tiết kiệm chi phí chúng tôi có nên tách hộ để giảm bớt phần tính lũy tiến tiền điện được không?”
TS Nguyễn Minh Phong đưa ra vài điểm gợi ý như: Nên tách hộ khẩu theo quy định quản lý hộ khẩu hiện hành, để được hưởng các chế độ ưu đãi về giá điện dành cho mỗi hộ gia đình; Chú ý điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức 27 -28 độ, vì theo các chuyên gia mỗi sự điều chỉnh tăng 1 độ (mùa đông) và giảm 1 độ (mùa hè) khiến chi phí về điện tăng 10%; Không nên bật điều hòa cả ngày mà nên bật theo khoảng giờ, có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu có nhu cầu thường xuyên thì cũng không nên tắt mở nhiều lần để tránh tổn hao năng lượng cơ hội.
TS Phong đưa ra các gợi ý chung với tất cả các gia đình nên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện trong tất cả các lĩnh vực, khu vực của đời sống, đặc biệt là chiếu sáng ở những phòng khách, cầu thang, nhà bếp, phòng ngủ. Còn riêng phòng làm việc, đặc biệt là bàn học của các cháu nhỏ thì cần sử dụng các thiết bị cao cấp để đảm bảo sức khỏe và thị lực cho người sử dụng. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị có kích cỡ phù hợp, không quá to, tiêu tốn nhiều năng lượng cũng là một giải pháp thiết thực để tiết kiệm điện.
Đồng ý một phần với nhận định của độc giả Trần Bách (38 tuổi, Bắc Giang) khi cho rằng giá điện tính theo lũy tiến như hiện nay không phải đánh vào người nhiều tiền mà đang gây khó khăn đối với những hộ đông người, TS Phong phân tích: “Mức tính lũy tiến giá điện hiện nay chỉ thuần túy xét theo số kw tiêu thụ mà không tính đến số nhân khẩu trong gia đình. Những gia đình càng đông, nhu cầu tối thiểu càng lớn thì càng chịu mức giá điện lũy tiến cao hơn những gia đình khác. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, mức tiết kiệm điện và ý thức tiết kiệm điện có ảnh hưởng lớn đến hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình, dù là đông hay ít người, dù là giàu hay là nghèo”.
Người dân luôn phải tính toán chi tiêu mỗi khi điện tăng giá (ảnh minh họa - theo Dân trí) |
Điện đang là một yếu tố đầu vào khá quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong bối cảnh nhiều biến động và giá điện có khả năng tăng trong thời gian tới, nhiều độc giả đặt câu hỏi nhằm tìm giải pháp giúp các công ty bớt được nỗi lo về chi phí, cũng như nguy cơ thiếu điện trong sản xuất.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, mỗi một công ty cần có kế hoạch tiết kiệm điện, cũng như các chi phí sản xuất khác để giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh và mức lợi nhuận của mình. Các giải pháp cụ thể cần được các DN chủ động xây dựng và triển khai phù hợp. Đồng thời các DN cũng cần phối hợp tạo tiếng nói chung để gửi thông điệp đến cơ quan chức năng, nhằm tạo sức ép giảm thiểu các chi phí trung gian, chi phi bất hợp lý, chi phí gắn với tham nhũng...
Bên cạnh đó, công ty cần đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc về công nghệ và tổ chức để phát huy các nhân tố chiều sâu, công nghệ cao, giảm thiểu các chi phí gắn với công nghệ thấp, mô hình tổ chức và quản trị lạc hậu, không hiệu quả... Việc đưa ra các mức phạt và khuyến khích tiết kiệm điện, cũng như chi phí khác là cần thiết để tăng động lực tiết kiệm cho các bộ phận, cá nhân tham gia trực tiếp và hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Độc giả Nguyễn Đăng (45 tuổi - dangnguyen@gmail.com) hỏi: “Giá điện sẽ không như hiện nay nếu EVN làm ăn nghiêm túc, quan điểm ông thế nào?” – “Đúng là như vậy, dư luận đang đòi hỏi sự giải trình minh bạch hơn của ngành điện về các chi phí sản xuất kinh doanh, lộ trình tăng cạnh tranh thị trường trong sản xuất và cung ứng điện; đồng thời dư luạn cũng đặt nhiều dấu hỏi về mức lương của ngành điện hiện nay trong mặt bằng thu nhập chung của xã hội...
Nếu tất cả các thông tin trên được cập nhật một cách chính xác và đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng thì lòng tin của xã hội về tính nghiêm túc và hiệu quả hoạt động của ngành điện sẽ được cải thiện rõ rệt, từ đó sự đồng thuận của xã hội về các chính sách mà ngành điện đang và sẽ đưa ra cũng được nâng lên” - TS Nguyễn Minh Phong trả lời
Buổi giao lưu cũng nhận được hàng trăm ý kiến của độc giả quan tâm đến các sản phẩm , giải pháp tiết kiệm điện cụ thể. Những câu hỏi này đã được các ông Nguyễn Đình Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP HTSV (doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn VNPT) và ông Lê Xuân Tịnh, Giám đốc Công ty CP OPPLE giải đáp cụ thể.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.