(HNM) - Mỗi ngày có hàng trăm vụ ly hôn, hàng nghìn vụ bạo lực gia đình khiến nhiều trẻ bị cha mẹ bỏ rơi, thiếu thốn tình cảm, bơ vơ kiếm sống, sa chân vào tệ nạn xã hội.
Sống theo tấm gương Bác Hồ
Đó là câu chuyện của gia đình cựu nhà báo Ngô Thi ở ngõ 65, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm. Gia đình cụ có 5 người con, 9 cháu và các chắt chung sống dưới một mái ấm lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Các con cụ đều là đảng viên, công tác tốt, các cháu đều là thạc sĩ. Bản thân cụ Thi sau khi về hưu là một bí thư chi bộ mẫn cán, nhiệt tình, năng nổ, được nhân dân tin yêu, kính trọng.
Cụ Vũ Hồng Quân (áo trắng) vui vẻ, hạnh phúc bên con cháu. |
Cụ bộc bạch: "Trong quá trình công tác, nhờ được tham gia vào việc tổng hợp tin tức, tư liệu về gương người tốt trình lên Bác Hồ, tôi phần nào học được ở những tấm gương ấy đức tính cần, kiệm, liêm, chính. Vì thế, tôi đã dạy các con, cháu phải sống có chuẩn mực, có đạo lý, có nền nếp, kỷ cương, trên thuận, dưới hòa, kính trên, nhường dưới, thuận vợ thuận chồng, chị ngã em nâng, bán anh em xa mua láng giềng gần… Hơn thế, các thành viên gia đình phải biết lấy nhân văn hòa khí làm trọng, để trong ấm, ngoài êm; trong quá trình lập nghiệp, lập thân phải biết tôn trọng chữ "tín", chữ "nhân", lợi ích cá nhân phải hài hòa với lợi ích tập thể". Để làm được điều này, theo cụ Thi thì bề trên (cụ, ông bà, cha mẹ) không được võ đoán, phải biết lắng nghe, rộng lượng, bao dung, vị tha với con, cháu, chắt; còn con cháu phải hết lòng thương yêu và kính trọng ông bà, cha mẹ, nghe lời khuyên dạy và làm theo những hành động mà người lớn đã làm. Trong mối quan hệ với láng giềng phải luôn giữ hòa khí.
Gia đình ngũ đại đồng đường tiêu biểu
Nếu như gia đình cụ Ngô Thi là điển hình cho gia đình trí thức, thì gia đình cụ Nguyễn Cường Phương, 98 tuổi ở phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai) lại là một gia đình nông dân luôn biết dạy con cháu lấy hiếu nghĩa làm đầu.
Cụ Phương cùng cụ bà là Trịnh Thị Quy (99 tuổi) sinh hạ được 9 người con, 8 trai, 1 gái nhưng trong quá trình tản cư đã mất đi 2 người. Nỗi đau mất con, mất nước, mất nhà dồn lại thành sức mạnh. Cụ ông đi bộ đội chống Pháp, cụ bà ở nhà một mình nuôi 7 người con khôn lớn, trưởng thành mà không một lời than trách, không một lời kêu ca để chồng vững tay súng. Khi đất nước bình yên, gia đình sum họp, các cụ không bao giờ quên giai đoạn khốn khó. Động viên con đi bộ đội để có thể hiểu rõ hơn sự hy sinh của cha mà trân trọng hạnh phúc, đồng thời hai cụ luôn dạy các con chữ "hiếu", chữ "nghĩa" với gia đình, với cộng đồng, với cơ quan công tác thông qua hành động và việc làm của chính mình. Nhờ thế, con, cháu của cụ Phương có rất nhiều người thành đạt.
Tấm gương hiếu nghĩa của hai cụ đã giúp gia đình cụ nhiều năm liền là gia đình văn hóa xuất sắc của quận Hoàng Mai; là gia đình "ngũ đại đồng đường" sống vui khỏe, có ích hiếm có ở Thủ đô.
Phòng "vi rút" bằng "vắc xin" dạy làm người
Đó là cách mà cụ Vũ Hồng Quân, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì áp dụng cho gia đình "tứ đại đồng đường" với 33 thành viên đang sống dưới cùng một nếp nhà.
Cụ Quân tâm sự, xã hội hiện đại ngày nay có rất nhiều mặt trái, gia đình cũng vậy. Như người ta thường nói, gia đình là tế bào của xã hội, do đó để có một xã hội khỏe thì trước hết gia đình phải khỏe, mà muốn khỏe thì không được phép để "vi rút" có hại như bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân… xâm nhập vào tế bào này.
Để làm được điều đó, cụ Quân đã "chế" ra "vắc xin" dạy làm người "dùng" cho các thành viên trong gia đình từ khi còn rất nhỏ. Theo cụ, con người sinh ra cũng như cái cây con mới ươm trồng, muốn tốt đẹp, muốn ra hoa kết trái thì chính người ươm trồng phải thường xuyên chăm sóc, uốn nắn chứ không thể trông chờ vào người khác. Với quan niệm này, cụ chủ động dạy con, cháu từ lời ăn, tiếng nói đến việc làm bằng thái độ yêu thương. Các thành viên trong gia đình được học hỏi những điều nhỏ nhất từ những người thân với thái độ gần gũi, sẻ chia nên tình cảm càng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Cụ Quân cho biết thêm, ngày thường, con cháu cụ bận đi làm thì các gia đình nhỏ sinh hoạt trong không gian riêng của mình, nhưng cuối tuần thì hơn 30 người cùng nấu ăn, chia sẻ, vui chơi. "Chủ trò" của những buổi sinh hoạt "cộng đồng" ấy chính là hai cụ tuổi thất thập cổ lai hy. Đó cũng chính là bí quyết giúp cụ Quân dù đã lên chức cụ mà trông như vừa nghỉ hưu.
Câu chuyện ở ba gia đình tiêu biểu trên cho thấy, sự ấm êm, hòa thuận và hạnh phúc trong mỗi nếp nhà là nền tảng để từng thành viên và cả xã hội phát triển. Đây cũng là một nét đẹp của văn hóa Thăng Long cần được gìn giữ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.