Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10

Thống Nhất 06/06/2024 - 12:59

Chắc về kiến thức, kỹ năng và lắng nghe kinh nghiệm của giáo viên, thí sinh dự thi các năm trước là điều thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2024-2025 cần lưu tâm.

Ngày 8-6, hơn 106.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025. Việc chuẩn bị cho mình kiến thức, kỹ năng và tâm thế thật tốt là điều rất quan trọng.

Các em hãy lắng nghe chia sẻ của giáo viên và anh chị khóa trước về bí quyết đạt điểm cao để thêm vững tin.

Quản trị sức khỏe và tâm lý

Câu chuyện của một phụ huynh có con chuẩn bị thi vào lớp 10 về việc mấy ngày nay con hay bị đau đầu, khó ngủ do căng thẳng khiến không ít phụ huynh lo lắng. Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, những ngày này các con không phải đến trường nên giờ giấc học tập đảo lộn. Nhiều con thức cả đêm để học, dành cả ngày để ngủ nên ăn uống không đúng giờ. Việc làm thế nào để con duy trì sức khỏe thật tốt cả về tinh thần và thể chất để hoàn thành kỳ thi là câu hỏi được quan tâm nhiều nhất trên các diễn đàn, hội nhóm của cha mẹ học sinh lớp 9 những ngày này.

c2-nguyen-du-ss-on-tap.jpg
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) ôn tập chuẩn bị
cho kỳ thi lớp 10. Ảnh: Thống Nhất

Cô giáo Lê Thùy Dung, giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) nhắn nhủ phụ huynh và học sinh của mình trước ngày thi: Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc là việc đầu tiên cần thực hiện, tránh tình trạng thức quá khuya học bài, đến ngày thi lại bị kiệt sức.

Là giáo viên dạy môn toán, cô Dung lưu ý, thời gian thi môn toán vào buổi sáng, khung giờ từ 8h-10h, vì vậy các con cần thức dậy đúng giờ, luyện đề và tỉnh táo theo khung giờ trên để thích nghi và rèn cho bộ não có phong độ tốt nhất.

Còn cô giáo Đào Hồng, giáo viên dạy ngữ văn Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) nhắc nhở, để tránh lạc đề, ngay khi nhận đề, thí sinh cần đọc kỹ câu hỏi, gạch chân các từ khóa và ghi nhanh ngắn gọn câu trả lời bên lề đề thi. Với câu nghị luận xã hội, thí sinh lưu ý bảo đảm các bước, gồm: Hiểu vấn đề, giải thích, bàn luận, biểu hiện, mở rộng và liên hệ bản thân rút ra bài học. Ở nội dung này, thí sinh nên lưu ý dẫn chứng có tính thời sự, có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội.

“Thời gian làm bài môn ngữ văn là 120 phút, thí sinh cần bố trí thời gian hợp lý, tuyệt đối không được bỏ bất cứ câu nào” - cô giáo Đào Hồng dặn dò.

Với môn ngoại ngữ, cô giáo Đàm Thị Thúy, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) khuyên thí sinh cần rà soát, nắm vững hệ thống từ vựng, ngữ pháp, phát âm, trọng âm, giao tiếp. Khi làm bài, các em đừng quên nguyên tắc cơ bản là đọc kỹ đề; làm bài tìm từ đồng nghĩa/ trái nghĩa trước, sau đó làm các câu còn lại theo thứ tự từ dễ đến khó và rà duyệt kỹ trước khi đưa ra đáp án.

Theo các giáo viên dạy lớp 9, tâm lý đi thi rất quan trọng. Nếu được dự thi tại ngôi trường mà mình đang học là một thuận lợi lớn vì mọi thứ đề đã thân quen với các em. Nếu địa điểm dự thi ở một ngôi trường khác, thí sinh thường hồi hộp, bỡ ngỡ, vì vậy, ngày mai, 7-6- ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh cần đến sớm hơn để tìm hiểu, làm quen với cảnh quan trường. Điều này sẽ giúp các em thấy thân quen và tự tin hơn.

lich-thi-10-ban-chinh.jpg
Lịch thi.

Chắt chiu từng 0,25 điểm

Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025 phải làm ba bài thi gồm ngữ văn, ngoại ngữ và toán, trong đó môn ngữ văn và toán tính hệ số 2, môn ngoại ngữ tính hệ số 1.

Tâm lý chung của nhiều thí sinh là quan tâm nhiều hơn đến hai môn tính hệ số 2. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các thí sinh đã từng tham dự kỳ thi năm trước, các em cần tìm kiếm, chắt chiu từng 0,25 điểm ở cả ba bài thi, đừng bỏ lỡ, chủ quan ở bất kỳ bài thi nào.

Thí sinh cần kiểm tra kỹ đề ngay khi nhận được từ cán bộ coi thi. Ảnh: Thống Nhất.
Thí sinh cần kiểm tra kỹ đề ngay khi nhận được từ cán bộ coi thi. Ảnh: Thống Nhất.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ, bí quyết đầu tiên là viết đẹp, rõ ràng nhất có thể, viết sát lề cho ngay ngắn, hạn chế tối đa việc gạch xóa. Khi làm bài, nên phác thảo ý ra nháp trước khi viết vào bài thi để tránh bị mất điểm khi viết thiếu ý; đồng thời chú ý giãn cách giữa các câu hỏi nhỏ để có thể bổ sung ý khi bất chợt nhớ ra. Trước khi nộp bài, em dành 5 phút soát lại toàn bộ bài để tránh sót ý chưa làm.

Nêu ví dụ: Bạn A có tổng điểm xét tuyển 20 - trượt; bạn B có tổng điểm xét tuyển 20,25 - đỗ, cô giáo Lê Thùy Dung nhắn nhủ việc tìm kiếm từng 0,25 điểm rất ý nghĩa. Với môn toán, mỗi bài toán có nhiều ý, mỗi ý đúng đạt 0,25 điểm, thí sinh cần cố gắng phân tích từng chi tiết của bài toán và nỗ lực cao nhất.

Một trong những lỗi sai và bị mất điểm rất đáng tiếc khi làm bài thi mà nhiều thí sinh thường mắc phải là làm bài 1 chưa xong đã nghĩ đến bài 2, phần dễ chưa xong đã nghĩ đến phần khó.

Em Nguyễn Khánh Chi, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) cho rằng, lỗi ở trên có nguy cơ dễ mất điểm vì chưa suy nghĩ kỹ yêu cầu đề bài, dẫn đến kết luận sai hoặc bị nhầm đề. Vì thế, nguyên tắc làm bài là làm bài dễ trước, bài khó sau, tập trung cao độ để giải quyết triệt để từng ý trong đề thi.

Khi làm bài thi, dù ở bất cứ môn nào, thí sinh tuyệt đối không làm tắt, không viết tắt hoặc có bất cứ dấu hiệu dễ bị hiểu là đánh dấu bài. Với môn toán, thí sinh lưu ý kiểm tra kỹ phần hình học xem đã vẽ hình đúng với đề chưa, vì nếu vẽ sai hình, bài hình sẽ bị điểm 0.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.