(HNM) - Ba thập kỷ "đóng vai chính" trên chính trường Ireland của Đảng Fianna Fail đang có nguy cơ phải gián đoạn vì uy tín ngày càng sa sút của Thủ tướng Brian Cowen.
Người đứng đầu Chính phủ quốc đảo này đã không thể khôi phục niềm tin của dân chúng cho dù vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cách đây 1 tuần. Sức ép từ cử tri và đảng đối lập buộc nhà lãnh đạo 51 tuổi này phải tuyên bố giải tán Quốc hội vào ngày mai (1-2). Tổng tuyển cử cũng có thể diễn ra sớm hơn kế hoạch, dự kiến vào cuối tháng 2, chứ không phải vào ngày 11-3 như đã được thông báo.
Ireland đang đối mặt với khủng hoảng nợ công nghiêm trọng. Ảnh: Reuters |
Cử tri Ireland cho rằng ông Cowen là người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở đảo quốc này. Từng được mệnh danh là "Con hổ vùng Celtic" nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh dựa trên chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi nhất châu Âu, Ireland đã rơi vào sóng gió khủng hoảng của thị trường bất động sản, đẩy các ngân hàng và hệ thống tài chính công vào tình thế cạn tiền bởi lượng dư nợ quá lớn (chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội). Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ quốc tế, cứ 5 tỷ euro được chi tiêu hiện nay thì Ireland phải vay mượn 2 tỷ.
Những xáo trộn trên chính trường Ireland diễn ra trong bối cảnh Quốc hội vừa thông qua chương trình dự thảo ngân sách để được giải ngân gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Theo chương trình được gọi là "Kế hoạch khôi phục quốc gia" do Fianna Fail đề xuất này, Ireland phải tiết kiệm khoảng 6 tỷ euro trong năm 2011 và 15 tỷ euro trong vòng 4 năm tiếp theo mới có thể tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ cấp quốc gia. Để đáp ứng "nhiệm vụ" tăng nguồn thu ngân sách nhằm vực dậy ngành ngân hàng, Chính phủ dự kiến cắt giảm hàng nghìn việc làm trong khu vực công, thực hiện lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng từ 21% lên 23% từ nay đến năm 2014 và cắt giảm trợ cấp xã hội kể từ năm 2014.
Nhưng các kế hoạch ngân sách này có thành công đến mấy cũng dường như đã quá muộn để Fianna Fail có thể trụ lại trong vai trò cầm quyền nhiệm kỳ tới ở đất nước này. Theo kết quả thăm dò mới đây, Fianna Fail đang đối mặt với một tương lai không mấy khả quan khi chỉ còn được 20% số người ủng hộ, mặc dù Thủ tướng B.Cowen đã nhường lại ghế Chủ tịch đảng cho cựu Ngoại trưởng Micheal Martin để cứu vãn uy tín. Giảm hơn 50% số phiếu ủng hộ so với cuộc bầu cử năm 2007 đồng nghĩa với việc Fianna Fail có khả năng mất đi một nửa trong số 72/166 ghế đang nắm giữ tại Quốc hội.
Trong khi đó, Đảng Fine Gael trung tả và Đảng Lao động trung hữu có nhiều khả năng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới. Lãnh đạo Fine Gael là ông Enda Kenny đang nắm nhiều cơ hội trở thành người kế nhiệm Thủ tướng B.Cowen. Dù chưa được đánh giá cao ngay trong chính nội bộ của Fine Gael, nhưng chính trị gia này được xem là nhân vật an toàn nhất trong thời điểm nhiều sóng gió hiện nay.
Trong nhiều năm qua, Fianna Fail gắn liền với sự hưng thịnh của nền Cộng hòa Ireland. Còn giờ đây, thật chua xót trước cảnh cử tri Ireland đang đếm từng ngày cuối cùng của Fianna Fail và điều mà họ chờ đợi là được "đưa tiễn" đảng này rời khỏi sân khấu chính trị. Tuy nhiên, với số tiền dự trữ cạn kiệt, "đất diễn chính trị" bị co hẹp do sức ép từ các điều kiện vay nợ ngặt nghèo, không chỉ ông Brian Cowen trong những ngày tháng còn lại mà bất cứ ai thay thế ông sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Bi kịch của Fianna Fail đã đặt dấu mốc lần đầu tiên một chính phủ trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sụp đổ vì khủng hoảng nợ công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.