Theo thống kê của Hội Cơ xương khớp Việt Nam, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh xương khớp cao nhất thế giới với trên 30% người trên 35 tuổi và 60% người trên 65 tuổi mắc căn bệnh này.
Bệnh xương khớp không phải là bệnh gây chết người nhưng đây là bệnh gây tàn phế rất cao. Các nghiên cứu trên bệnh nhân khớp cho thấy chỉ sau 5 năm phát bệnh, số bệnh nhân khớp còn chức năng lao động bình thường chỉ khoảng 40%, và 16% mất chức năng đi lại nghiêm trọng. Ngoài ra, bệnh còn gây các biến chứng như mệt mỏi, tim mạch, thiếu máu, ác tính và loãng xương. Đặc biệt đối với biến chứng tim mạch có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ lên đến 4 lần.
Theo nghiên cứu, tại các bệnh viện, tỷ lệ người đến khám và điều trị các bệnh về xương khớp gia tăng trong những năm gần đây và có xu hướng trẻ hóa. Nhiều học sinh, sinh viên đã phải chịu những cơn đau khớp ở cổ tay, vai gáy khi dành quá nhiều thời gian sử dụng máy tính và điện thoại di động… Đau nhức xương khớp tuy không gây hậu quả nghiêm trọng ngay tức thời nhưng khiến người bệnh cảm thấy phiền phức, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh xương khớp nguy cơ gây tàn phế rất cao. |
Nguyên nhân dẫn đến đau nhức xương khớp:
- Di truyền: Gia đình đã có nhiều người mắc bệnh qua nhiều đời;
- Tập luyện quá sức hoặc sai cách dẫn đến đau nhức lâu ngày;
- Thừa cân, béo phì là nguyên nhân dẫn đến việc hệ thống xương khớp không còn phù hợp với trọng lượng cơ thể dẫn đến sụn khớp đau và hao mòn nhanh chóng;
- Tai nạn: Gãy xương hoặc tổn thương do va chạm làm sụn và các dây chằng bị tổn thương và đau nhức, nhất là khi thay đổi thời tiết,...
Theo các chuyên gia y tế, bệnh xương khớp nguy hiểm nhưng nếu phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các tổn thương không hồi phục tại khớp. Người dân cần duy trì thói quen tập luyện kết hợp với chế độ dinh dưỡng đa dạng khi bước qua tuổi 30, lúc hệ xương khớp bắt đầu lão hóa. Việc vận động đều đặn và nhẹ nhàng sẽ giúp cho khí huyết lưu thông, phòng tránh bệnh về xương khớp. Người béo phì cần chăm tập thể dục để giảm cân nhằm có trọng lượng thích hợp với xương khớp của mình.
Các chất dinh dưỡng như ngũ cốc, hải sản, sữa... đều rất tốt cho xương khớp. Đặc biệt, cần hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ như ngồi lâu, ít vận động, mê mải với máy tính, điện thoại…
Những loại bệnh về xương khớp thường gặp
- Thoái hóa khớp: Khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân… những khớp thường xuyên chịu lực sẽ có nguy cơ thoái hóa cao. Nguyên nhân có thể do lão hóa, tật bẩm sinh, chấn thương, béo phì, người mắc bệnh tiểu đường và do thường xuyên lạm dụng sức chịu đựng của khớp.
- Đau lưng: Là một trạng thái đau cột sống rất phổ biến. Đau lưng kéo dài từ vài ngày đến vài tuần gọi là đau lưng cấp tính, lâu hơn thì được coi là mãn tính. Dấu hiệu thường là đau cơ bắp, từ tay xuống chân, rất khó đứng thẳng, rất dễ tái phát.
Viêm khớp có loại :
- Viêm khớp dạng thấp: Thường mắc bệnh ở tuổi trung niên, đặc biệt là phụ nữ nhưng vẫn có trường hợp mắc phải ở tuổi từ 20-30.
- Viêm khớp thiếu nhi: Nhiều trẻ em cũng phải đối mặt với căn bệnh này. Phần lớn nguyên nhân cũng chưa được biết rõ, nhưng trẻ suy dinh dưỡng bào thai mắc bệnh này khá cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.