Tình trạng manh mún, thậm chí không giấy phép, ở một số phòng khám tư hoạt động xung quanh các bệnh viện công đang diễn ra công khai. Dư luận xôn xao: liệu có lỗ hổng nào ở lĩnh vực này?
Một bệnh viện tư nhân tại TP.HCM thưa thớt ánh đèn do ít bệnh nhân - Ảnh: Hữu Khoa |
Theo phần lớn những nhân viên y tế thì có sự bỏ qua, buông lỏng quản lý vì lý do này hay lý do khác rất tế nhị, chứ nói cơ quan quản lý không biết là không đúng. Bởi, dù không có chuyên môn nghiệp vụ thanh tra, khi đi qua những khu vực xung quanh các bệnh viện lớn như: BV Chợ Rẫy, Bạch Mai hay Ung bướu, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi tại sao có nhiều phòng khám và các cơ sở dịch vụ y tế như vậy? Có phải để đón khách hàng từ bệnh viện đang bị quá tải kia?
Để chấn chỉnh vấn đề này, có khá nhiều biện pháp được đưa ra, trong đó việc đầu tiên là chấn chỉnh lại việc cấp phép, phải quy định rõ ràng với khoảng cách và mật độ dân số bao nhiêu mới được mở phòng khám bệnh và dịch vụ y tế. Không thể chấp nhận việc phòng khám kế tiếp phòng khám, nhà thuốc kế tiếp nhà thuốc như hiện nay.
Ở các nước phát triển, người ta căn cứ vào mật độ dân cư và nhu cầu thực tế để cấp phép cho các cơ sở y tế và dịch vụ y tế hoạt động. Từ đó khống chế số lượng các cơ sở này và kiểm soát hoạt động của họ chứ không thể viện lý do nhiều cơ sở quá, kiểm soát không xuể như hiện nay.
Còn vấn đề khác là lâu nay bệnh viện tư không được nhà nước quan tâm mà chỉ đầu tư nhiều cho bệnh viện công, tuy nhiên vừa qua hàng loạt bệnh viện công lấy công làm tư như mổ dịch vụ, ăn phim X quang, họ khoác cái áo xã hội hoá bắt tay tư nhân để trục lợi bệnh nhân. Vậy việc đầu tư này có công bằng, khi mà chúng ta đang kêu gọi đầu tư bệnh viện để giảm tải, nâng cao sức khỏe cho người dân?
Ở các nước phát triển, khoảng 85% các bệnh viện và cơ sở y tế do tư nhân đầu tư. Người ta không có khái niệm bệnh viện tư hay bệnh viện công mà chỉ có khái niệm bệnh viện do ai đầu tư mà thôi, biển hiệu cũng không có bệnh viện tư nhân như chúng ta. Việc này tạo điều kiện cho các bệnh viện phát triển với cùng chung một tiêu chí, một quy trình và một phương thức kiểm soát của nhà nưóc đề ra.
Vấn đề cần lưu tâm nữa là cả người lãnh đạo quản lý hay bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân và dư luận hãy hết sức công bằng với bệnh viện tư. Có như thế nền y tế nước nhà mới phát triển được, đừng suy nghĩ: Chỉ có bệnh viện công là tốt còn các cơ sở y tế tư nhân là chặt chém, là lưà đảo, xấu xa…
Một số bệnh viên tư nhân làm ăn thua lỗ có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân làm ăn chụp giật, chạy theo lợi nhuận, tiềm lực kinh tế không đủ (đầu tư vào bệnh viện là đầu tư lâu dài đòi hỏi phải trường vốn, hạn chế tối đa vay mượn, thuê mướn mặt bằng hay trang thiết bị).
Mặt khác như chúng tôi đã nói ở trên là do tư tưởng trọng công, coi thường y tế tư nhân trong tuyệt đại đa số người dân làm họ không muốn đến các cơ sở y tế tư nhân, dù các cơ sở này làm việc rất tốt.
Ngay như lực lượng truyền thông cũng vậy, một trường hợp điều trị thành công tại bệnh viện công lập họ sẵn sàng đăng tin cho mọi người biết ngay, trong khi đó một trường hợp tương tự ở bệnh viện tư nhân thì hoàn toàn không được đăng vì cho rằng đó là quảng cáo!
Một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa đó chính là chính sách xã hội hoá và việc thực hiện không đúng cách của nó đã góp phần giết chết các bệnh viên và cơ sở y tế tư nhân. Theo nhận xét của nhiều người, việc sử dụng tài sản công, nhân lực công, thương hiệu có từ lâu đời… không giải quyết gì được cho tình trạng quá tải của bệnh viện. Vì nghe ra có vẻ là nghịch lý nhưng cũng bằng ấy diện tích, bằng ấy nhân lực thì số người này được phục vụ tốt, mổ sớm hơn, nằm một mình rộng hơn thì những người khác sẽ mỗ trễ hơn, nằm hai nằm ba, chật chội hơn mà thôi.
Tuy nhiên theo tâm lý và lo lắng về bệnh tật, chuộng thương hiệu đã có sẵn, mọi bệnh nhân vẫn đổ về các bệnh viện công dù giá cả của dịch vụ xem ra không hề rẻ hơn bệnh viện tư và thế là bệnh viện tư sống ngắc ngoải, thậm chí đóng của gây lãng phí rất lớn về tiền bạc và cơ sở vật chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.