Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viện quá tải, bệnh nhân chịu trận!

Thu Trang| 26/01/2016 07:01

(HNM) - Các tỉnh phía Bắc đang phải gánh chịu đợt rét đậm, rét hại với cường độ mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tại Hà Nội, ở các bệnh viện (BV) từ tuyến trung ương, thành phố cho đến tuyến cơ sở, các y, bác sĩ đang phải căng mình cứu chữa cho bệnh nhân.


Chen nhau đi khám bệnh

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 25-1, tại BV Đa khoa Xanh Pôn có rất đông bệnh nhân đến khám, đa số là người già và trẻ nhỏ. Tại khu vực phòng khám dịch vụ nội, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, rất nhiều người cao tuổi xếp hàng chờ tới lượt. Bà Vũ Bích Phương (73 tuổi, ở Thụy Khuê - Hà Nội) cho biết: "Tôi bị huyết áp cao, mỡ nhiễm máu, cảm thấy người rất khó chịu. Dù rét buốt nhưng vì hết thuốc điều trị huyết áp nên tôi vẫn phải đến BV khám định kỳ và lấy thuốc".

Quá tải bệnh nhi tại Khoa Nhi tổng hợp (BV Đa khoa Xanh Pôn).


Tại Khoa Nhi tổng hợp của BV Xanh Pôn, những em bé được bọc kín trong bộ quần áo rét, nước mũi chảy, có bé mặt đỏ lựng vì những cơn ho như rút ruột. Ba ngày qua (từ 23 đến 25-1), Khoa Nhi luôn rơi vào tình trạng quá tải. Toàn khoa có 43 giường bệnh nhưng luôn có khoảng 60 bệnh nhi nằm điều trị, có lúc phải cho nằm ghép 2-3 cháu/giường bệnh. Bác sĩ Trưởng khoa Nguyễn Văn Thường cho biết: Trời chuyển lạnh sâu, tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh về hô hấp và bệnh liên quan tới vi rút phát triển. Lượng bệnh nhi nhập viện tăng mạnh. Để hạn chế tình trạng quá tải, các bác sĩ phải tích cực khám phân loại. Phụ huynh của những bệnh nhi nhẹ được hướng dẫn để tự điều trị cho con tại nhà; bệnh nhân mà bệnh đã thuyên giảm thì được cho xuất viện và chỉ định tái khám định kỳ; một số bệnh nhân được chuyển điều trị ở tuyến dưới… Trong sáng 25-1, tại khoa đã có 20 trẻ được xuất viện, chỉ còn 57 trẻ đang điều trị nội trú.

Tình hình tại nhiều BV khác cũng không khá hơn. Khoa Nhi (BV Bạch Mai) rơi vào tình trạng quá tải do số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Khoa chỉ có 60 giường điều trị nội trú nhưng có tới gần 100 bệnh nhân nằm viện. Khoa Hô hấp của BV E mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 bệnh nhân cấp cứu, chủ yếu là người già tới khám, điều trị bệnh do giá rét gây ra (hen, hô hấp, tim mạch, đột quỵ, tai biến...). Tại Khoa Nội hô hấp, số bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp tăng khoảng 30% so với thời điểm trước đó. Bệnh nhân đông, máy thở không đủ phục vụ, nhân viên y tế phải dùng tay bóp bóng giúp bệnh nhân thở được dễ dàng.

Theo ông Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai, trong ba ngày qua, BV tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim... do bị lạnh đột ngột. "Nhiệt độ xuống thấp khiến các mạch máu co lại, huyết áp tăng. Khi đó, với những người vốn bị bệnh tim mạch thì các biến chứng như vỡ mạch máu trong não, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim... xuất hiện nhiều hơn, nguy cơ bị đột quỵ cũng cao hơn", ông Dương Đức Hùng cảnh báo.

Chủ động phương án phục vụ bệnh nhân do giá rét

Ngay trong sáng 25-1, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác tổ chức khám điều trị cho bệnh nhân tại BV Đa khoa Đức Giang. Tại đây, trong những ngày trời lạnh, số bệnh nhân nhập viện đông hơn, chủ yếu là người già và trẻ em bị viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy, đột quỵ, huyết áp và tai biến mạch máu não… BV mới đưa vào sử dụng tòa nhà khám chữa bệnh hiện đại, có hệ thống điều hòa tổng hai chiều, lại mới bổ sung thêm chăn ấm, quạt sưởi… cho một số buồng bệnh, khoa phòng nên bệnh nhân được giữ ấm.

Còn tại Khoa Nhi (BV Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba) dù lượng bệnh nhi đến khám không đông nhưng theo chị Hoàng Thị Phượng, nhân viên của BV, cứ sau mỗi đợt rét đậm thì lượng bệnh nhi thường tăng lên. Bởi vậy, trong những ngày qua, BV đã chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó khi số lượng bệnh nhi tăng đột ngột.

Để chủ động lên phương án chống rét cho người bệnh, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, những ngày qua, tất cả các khoa, phòng đều tăng cường thiết bị sưởi ấm, chăn đắp để bảo đảm giữ ấm cho người bệnh. Hệ thống nước nóng, điều hòa được duy trì tại các khoa phòng, đặc biệt là các khoa có bệnh nhân như sản, nhi, cấp cứu, điều trị tích cực. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, trong những ngày lạnh, điện năng sử dụng cho chống rét tăng khoảng 30%, lượng dầu đốt lò hơi để cung cấp nước nóng và giặt sấy cũng tăng mạnh. Ngoài ra, máu, dịch truyền và một số chế phẩm cũng được làm ấm tương đương với nhiệt độ cơ thể bằng thiết bị chuyên dụng trước khi truyền cho người bệnh…

Tại một số BV tuyến cơ sở, dù các buồng bệnh chưa được lắp đặt hệ thống điều hòa 2 chiều nhưng lãnh đạo các BV đã chỉ đạo tăng cường trang thiết bị chống rét cho người bệnh. Giám đốc BV Đa khoa Sơn Tây Nguyễn Đình Đính chia sẻ: BV đã huy động tối đa chăn ga, đệm, đèn sưởi, quạt sưởi cho các khoa, phòng, buồng bệnh; sửa chữa lại hệ thống cửa sổ, cửa ra vào để tránh gió lùa. Ngay sau khi hai khoa X-quang và Đông y của BV đề xuất tăng cường thiết bị sưởi ấm cho bệnh nhân, trong ngày 25-1, BV đã mua bổ sung đèn sưởi. BV cố gắng phục vụ người bệnh tốt nhất, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt đối với sức khỏe của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện quá tải, bệnh nhân chịu trận!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.