(HNM) - Đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh chưa phát hiện bệnh nhân viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên tại nhiều bệnh viện (BV) ở thành phố lại đang điều trị cho các bệnh nhân đến từ các tỉnh xung quanh.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đang điều trị 10 cháu bé, hầu hết dưới 10 tuổi, bị viêm não Nhật Bản. Đáng lưu ý, cả 10 cháu không phải ở TP Hồ Chí Minh mà từ các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương, Vĩnh Long… chuyển đến. Tương tự, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh (Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1) cho hay, BV này cũng đang điều trị nội trú 10 trẻ có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi, bị bệnh viêm não, đa phần cũng từ các tỉnh xung quanh chuyển đến.
Các bệnh nhân đang chữa trị bệnh viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi đồng 1. |
Đáng lo ngại, đã có 2 bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản đang trong tình trạng khá nặng. Cụ thể, tại BV Nhi đồng 1, bé H.N.T.K (5 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) bị hôn mê nhiều ngày, phải thở bằng máy. Chị Lan - mẹ bé cho hay: "Mới vài hôm trước, cháu vẫn ngồi chơi game bình thường. Thế rồi đột nhiên cháu sốt cao, co giật. Tôi đưa cháu đi bác sĩ tư, họ nói không có sao. Vậy mà sau vài ngày uống thuốc không khỏi, cháu bị lơ mơ và hôn mê đến bây giờ".
Còn tại BV Nhi đồng 2, bé L.H.Q (8 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) phải thở máy, hôn mê. Chị My, mẹ bé kể, trước khi nhập viện, cháu bị sốt cao, lơ mơ nhưng không lên cơn co giật, cũng không nôn ói nên được điều trị ngoại trú. Thế nhưng, bốn ngày sau cháu lại lên cơn co giật, BV địa phương đã chuyển bé đến TP Hồ Chí Minh và kết quả xét nghiệm dương tính với viêm não Nhật Bản.
Theo BS Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 2, bệnh viêm não Nhật Bản xảy ra nhiều từ tháng 5 đến tháng 8, đỉnh dịch sẽ rơi vào tháng 6, 7. Mặc dù số ca bệnh không nhiều nhưng dễ gây tử vong, hoặc để lại di chứng thần kinh sau khi chữa trị khiến trẻ khi lớn lên kém phát triển trí tuệ.
Đáng lưu ý, theo các bác sĩ, lợn và chim là những ổ chứa vi rút viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa vi rút rồi truyền cho người khi đốt. Thế nên trước tình trạng các tỉnh xung quanh đã có người nhiễm bệnh, thành phố lại đang bước vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để phát sinh muỗi, ngành y tế thành phố xác định bốn quận, huyện có nguy cơ cao là: quận 9, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và huyện Bình Chánh. Vì vậy, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đại trà tại 24 quận, huyện. Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, giải pháp phòng chống hữu hiệu nhất vẫn nằm ở ý thức người dân. Người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.