(HNM) - Trong quá trình thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Thành ủy, nhiều cấp ủy rất sáng tạo, nghĩ ra nhiều cách làm mới, mô hình hay. Báo chí đưa tin, viết bài khen ngợi, cổ vũ. Người dân biết đến cũng nức lòng, phấn khởi. Cấp ủy được lựa chọn làm điển hình được khen thưởng. Nhưng bẵng đi một thời gian, mô hình hay, cách làm mới ấy dần mai một, như "không cánh mà bay". Một số nơi thì dù không bỏ hẳn, nhưng tính hiệu quả của mô hình hay, cách làm mới không được duy trì, hiệu quả giảm sút.
Tương tự, những năm gần đây, nhiều lãnh đạo cấp ủy có tư duy đổi mới, lãnh đạo, chỉ đạo nhiều cách làm sáng tạo, đem lại những tiến bộ rõ nét cho địa phương, cơ quan, đơn vị. Đáng tiếc là những kết quả đổi mới, sáng tạo đó chỉ được một thời gian ngắn là hết hiệu nghiệm, kết quả dần dần đi xuống; giống như một thứ "bệnh tốt không bền vững".
Vấn đề này đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ rõ khi đề cập đến những hạn chế trong quản lý đô thị. Đó là các địa phương có rất nhiều sáng kiến, sáng tạo, nhưng lại không duy trì được lâu. Phong trào đi lên được một thời gian lại lắng xuống. Mỗi ngày mới bắt đầu, đời sống xã hội đặt ra rất nhiều công việc nên trách nhiệm đặt ra cho cấp ủy, lãnh đạo cấp ủy các cấp rất lớn, nhất là phải "nói được, làm được", "nói thật, làm thật".
"Bệnh tốt không bền vững" có lẽ khó có thể triệt tiêu hẳn khỏi đời sống xã hội, nhưng có thể khắc phục được nếu cấp ủy và cá nhân cán bộ lãnh đạo nâng cao tinh thần trách nhiệm, trau dồi đạo đức lối sống theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hiện nay, các cấp ủy đang tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là dịp cần thiết để thảo luận về những giải pháp trong giai đoạn mới, trong đó có giải pháp phòng "bệnh tốt không bền vững".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.