Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh “sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang ngành nghề khác

Tiến Thành| 29/05/2023 16:29

(HNMO) - Chiều 29-5, thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại kỳ họp thứ năm, đại biểu Quốc hội lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam).

Về thanh, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) cho biết, nhiều vi phạm, vướng mắc được xác định do nguyên nhân đại dịch Covid-19 là tình huống chưa có tiền lệ, dịch bệnh bùng phát nhanh; trong khi các quy định pháp luật lại ở trong bối cảnh bình thường. Đại biểu cho rằng Nghị quyết của Quốc hội cần giao Chính phủ đưa ra những hướng dẫn cụ thể để có phương án xử lý hợp lý.

”Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng cần được đặt ở trong bối cảnh, điều kiện xảy ra đại dịch, giữa cái sống và cái chết, tất cả đều tập trung cho phòng, chống dịch. Nhiều trường hợp không tham nhũng, tiêu cực vẫn bị kỷ luật cần phải có đánh giá đúng đắn”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ tình huống đại dịch, đại biểu cho rằng Chính phủ cần xây dựng kịch bản ứng phó với nhiều cấp độ khác nhau, để trong tình huống khẩn cấp, vẫn có những quy định, cơ chế rõ ràng, chặt chẽ, qua đó các cơ quan, đơn vị có thể căn cứ vào đó triển khai công việc hiệu quả, hợp lý, hợp tình, hợp pháp, tránh lúng túng trong ứng phó hoặc gặp vướng mắc vì những quy định chưa rõ ràng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quản lý nguồn lực còn có nhiều "điểm nghẽn” trong sử dụng. Đồng thời, còn có những chính sách cần được nhìn nhận lại như trong lúc thiếu vắc xin lại không cho phép tiêm dịch vụ hay như lúc thiếu thuốc điều trị thì Bộ Y tế lại chậm trễ trong cấp số đăng ký thuốc, dẫn đến tình trạng là mua bán bên ngoài và đẩy giá…

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị trong báo cáo cần bổ sung đánh giá để cân bằng giữa “xây” và “chống”. Chống tiêu cực nhưng cũng cần quan tâm đúng mức việc xây dựng, “bồi bổ” để ngành Y tế mạnh hơn nhằm có thể chống dịch ngay lúc đó và về sau này. ”Công tác giám sát cần đi vào thực tế trong tương lai nếu như dịch bệnh quay trở lại thì chúng ta sẽ đối phó được tốt hơn, bảo vệ người dân tốt hơn”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.

Đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp).

Sau khi chống dịch thành công, đại biểu Trần Văn Sáu (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cho thấy có quá nhiều điều hợp lý trong thời điểm chống dịch nhưng không hợp lý, hợp pháp trong thời điểm hiện nay. ”Vậy việc ứng xử vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Trần Văn Sáu đặt câu hỏi, đồng thời lo ngại căn bệnh “sợ trách nhiệm”, thu mình lại, thụ động, ngại đưa ra quyết định đang lây lan từ ngành y sang những ngành nghề khác.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo ra hành lang pháp lý để khuyến khích mọi người tự tin làm việc, đại biểu Trần Văn Sáu đề nghị Quốc hội cần có cơ chế áp dụng luật thực sự hợp tình, hợp lý.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) đề nghị báo cáo bổ sung, tổng hợp, nêu rõ kết quả quản lý, sử dụng và thanh quyết toán đối với nguồn lực huy động từ nguồn ngoài ngân sách. Đồng thời, Nghị quyết này của Quốc hội phải nêu rõ hơn nữa thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm hết sức cụ thể. Đặc biệt là kiến nghị những giải pháp để tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc, nhất là việc thanh quyết toán, xác lập giá trị tài sản, sở hữu toàn dân để nhanh chóng quản lý, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh “sợ trách nhiệm” đang lây lan từ ngành y sang ngành nghề khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.