(HNMO) - Hà Nội và các tỉnh Bắc Bộ đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có lúc giảm xuống dưới 10 độ C, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng. Các bệnh viện đã trang bị thêm quạt sưởi, máy sưởi ấm, nước nóng, che chắn kín gió... để giúp người bệnh, người nhà bệnh nhân chống rét.
Cảnh giác với đột quỵ, cúm, liệt mặt...
Theo tin từ một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, nhiệt độ giảm sâu khiến nguy cơ gia tăng đột quỵ, tim mạch, các bệnh liên quan đến đường hô hấp...
Cụ thể, tại Khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) có 100 giường bệnh luôn trong tình trạng kín chỗ. Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ những ngày trời lạnh tăng trên 15%. Tương tự, tại Bệnh viện Tim Hà Nội, trời lạnh, số người đến khám bệnh giảm trong khi số bệnh nhân đột quỵ lại tăng lên 20% so với bình thường.
Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, có 4 nguyên nhân khiến đột quỵ trong mùa đông gia tăng. Đầu tiên là do cơ thể tăng tiết chất Catecholamine (để giữ nhiệt) đã làm co mạch, khiến huyết áp tăng lên. Ngoài ra, về mùa đông, con người thường uống ít nước hơn dẫn đến độ đặc quánh của máu tăng lên dễ gây nguy cơ tắc mạch máu não. Bên cạnh đó, trong mùa lạnh hay xảy ra tình trạng cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột: Vừa ngủ dậy ra ngoài tập thể dục, chơi thể thao xong tắm lạnh, tắm vào lúc đêm khuya... Mùa đông cơ thể cũng ít vận động dẫn đến nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cholesterol trong máu tăng cao... cũng là các nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.
Còn tại Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), trong những ngày trời lạnh có khoảng 25-30% số trẻ nhập viện điều trị do mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, Tiến sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em cho biết, mỗi ngày có 20-30 trẻ mắc cúm vào viện. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, tại đây tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân cúm.
Còn tại Bệnh viện Phổi trung ương, nếu những tháng bình thường có 170 lượt bệnh nhân điều trị nội trú tại Khoa Bệnh phổi mạn tính thì những thời điểm giá rét tăng lên hơn 220 lượt bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi điều trị các bệnh về đường hô hấp. "Không chỉ gia tăng về số lượng, hầu hết bệnh nhân nhập viện trong đợt này đều trong tình trạng nặng. Thậm chí, có những bệnh nhân bị suy hô hấp phải hỗ trợ bằng thở máy, ô xy", bác sĩ Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính cho biết.
Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, không ít người đã bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, dẫn đến tình trạng bị méo miệng, liệt mặt. Trong tuần qua, số bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên đến khám, điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị tăng 20-30%. Triệu chứng này xảy ra chủ yếu do bệnh nhân gặp lạnh đột ngột, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Văn Lý, Trưởng khoa Y học cổ truyền cho biết.
Tăng cường phương tiện chống rét, cấp cứu cho người bệnh
Để tăng cường các biện pháp chống rét cho người bệnh, bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng, chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, nơi chờ khám, các buồng điều trị phải kín gió, có đủ chăn, đệm, lò sưởi... Bên cạnh đó, các bệnh viện phải bố trí đầy đủ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, phương tiện cấp cứu để kịp thời xử lý các trường hợp mắc các bệnh đột ngột do cảm lạnh, viêm đường hô hấp cấp, các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ... Trường hợp người bệnh phải chuyển tuyến, cần giữ ấm trong quá trình vận chuyển, đặc biệt là trẻ em, trẻ sơ sinh và người già.
Tránh để người bệnh bị rét khi điều trị tại bệnh viện, ngay trước đợt rét đậm của mùa đông này, ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ đã yêu cầu các khoa, phòng kiểm tra lại các cửa sổ, cửa ra, vào các buồng bệnh, bảo đảm kín gió. Ngoài ra, bổ sung thêm điều hòa hai chiều, đèn, quạt sưởi và cung cấp đầy đủ chăn, đệm cho người bệnh.
Tương tự, các bệnh viện trung ương trên địa bàn thành phố đã bổ sung thêm các thiết bị bảo đảm chống rét cho bệnh nhân và cả người nhà họ. Cụ thể, tại Bệnh viện K, các buồng bệnh bảo đảm đầy đủ nước nóng. Thậm chí, cây nước nóng được bố trí tại sảnh điều trị để người bệnh, người nhà thuận tiện trong việc ăn uống, pha sữa, thuốc. Bệnh viện cũng đã bố trí quạt sưởi tại khoa điều trị, bổ sung cửa kính khép kín tại khu vực khám bệnh và các khoa điều trị, cung cấp thêm chăn ấm cho người bệnh...
Bệnh viện Bạch Mai đã trang bị 20 cây sưởi công nghiệp lắp trên vỉa hè trục đường Khoa Cấp cứu để giúp người nhà bệnh nhân sưởi ấm trong khi chờ người thân.
Để phòng bệnh trong thời tiết giá rét, bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội khuyến cáo, người trung niên và cao tuổi cần giữ ấm cơ thể khi đi ngủ và mỗi khi ra khỏi phòng. Đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, đặc biệt là bữa sáng. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành...
Còn với trẻ nhỏ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, để phòng các bệnh viêm tai mũi họng, viêm đường hô hấp trong thời điểm này, việc giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang. Ngoài ra, cho trẻ ăn đủ chất, uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau củ để tăng cường sức đề kháng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bị cảm cúm. Khi phát hiện dấu hiệu bệnh, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng kháng sinh mà nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và kê đơn...
Trong những ngày trời rét đậm, rét hại, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không sưởi qua đêm, đóng kín cửa phòng. Ngoài ra, không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi...) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng và cháy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.