Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh “người cây” nguy hiểm như thế nào?

Hương Thủy| 09/08/2019 14:53

(HNMO) - Một ca bệnh “người cây” ở Ninh Bình mới được phát hiện đang thu hút sự chú ý của dư luận. Trước đó, cách đây khoảng 13 năm, một ca bệnh tương tự đã được ghi nhận. Vậy, bệnh “người cây” là gì và nguy hiểm như thế nào?

Bệnh nhân mới được phát hiện là anh Nguyễn Văn S, sinh năm 1971, ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.

Anh S, người mang căn bệnh "người cây" hiếm gặp.

Năm 10 tuổi, vùng mắt cá và lòng bàn chân anh S bắt đầu xuất hiện những mụn cóc rồi phát triển to hơn, xù xì ra, lúc đầu mềm, nhưng sau đó cứng lại. Các mụn cóc chai sần, nứt nẻ khiến bàn tay và bàn chân của anh biến dạng, anh không thể tự đi lại, đặc biệt là không thể cầm nắm nên mỗi bữa ăn gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, lớp sừng ở lòng bàn chân, bàn tay mọc ra như vỏ cây, khi già thì rụng khiến anh S rất đau đớn.

Vì đau, không thể tự đi được, lại không có người đưa đón, năm lớp 7, anh S phải nghỉ học. Hiện nay, hằng ngày, anh đi lại bằng đầu gối thay vì hai bàn chân. Không chỉ chịu nỗi đau về thể xác, anh S còn bị tổn thương về tinh thần bởi bệnh khiến anh trở nên “quái dị”.

Mặc dù anh đã ra Hà Nội chữa ở một số nơi nhưng bệnh không thuyên giảm. Hiện các bác sĩ đang tìm cách điều trị phù hợp nhất cho anh.

Trao đổi với phóng viên HNMO, TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, khoảng năm 2006, Bệnh viện Da liễu trung ương đã phát hiện một trường hợp mắc bệnh “người cây”. Đó là một nam giới, khi ấy 26 tuổi. Từ thời điểm đó đến nay, bệnh viện chưa ghi nhận thêm trường hợp nào.

Bệnh "người cây" có tên khoa học là Epidermodysplasia Verruciformis, bị gây ra bởi virus HPV (Human Papillomavirus).  Đây là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, tức bệnh nhân có gen di truyền từ cả bố và mẹ thì mới mắc. Bệnh này ảnh hưởng đến hệ miễn dịch qua trung gian tế bào nên làm cơ thể nhạy cảm với một số tuýp của virus HPV.

Ở người bình thường, khi nhiễm các tuýp HPV này không có biểu hiện lâm sàng, nhưng ở người có tổn thương di truyền rất dễ nhạy cảm với virus HPV. Nguy cơ lớn nhất của bệnh này là dễ dẫn đến ung thư da, đặc biệt ung thư biểu mô tế bào vảy. Người mắc bệnh có nguy cơ ung thư da lên tới 60%.

Đây là bệnh do virus, không phải do truyền nhiễm, nên không lo ngại lây truyền bệnh khi tiếp xúc với người bị bệnh. Biểu hiện lâm sàng của bệnh là tổn thương dạng mụn hạt cơm phẳng, sau đó to lên như mụn cóc, tổn thương dầy sừng, rồi biến dạng, có thể tạo thành sừng dài ra giống vỏ, cành cây nên người ta gọi là bệnh “người cây”.

Các tổn thương này thường mọc ở vùng hở như: Tay, chân, mặt. Bệnh thường phát khi người mắc còn trẻ và các tổn thương phát triển dần theo năm tháng. Khi bệnh nặng, tay chân người mắc nặng nề, không thể cầm nắm…

“Vì vậy, người mắc thường gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Chưa kể, cơ thể người bệnh bị đau đớn bởi tổn thương biến dạng”, TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền nói.

Điều đáng nói, bệnh này không có cách chữa, bởi hệ miễn dịch của cơ thể bị tổn thương, làm cơ thể nhạy cảm với virus HPV. Vì vậy, điều trị bệnh chỉ là điều trị triệu chứng. Nếu mụn cóc mọc ngày càng nhiều và phát triển có sừng dài, tức bệnh đã bị nặng, cần can thiệp để loại bỏ sừng bằng cách đốt điện, đốt lazer, phẫu thuật cắt bỏ khối sừng. Còn với trường hợp nhẹ, có thể bôi thuốc ngoài da hoặc uống thuốc vitamin acid để làm giảm sừng.

“Đây là bệnh hiếm gặp, chưa có thống kê về tỷ lệ mắc bệnh. Tuy nhiên, tính đến năm 2017, trên thế giới có khoảng 500 ca mắc bệnh này”, vị chuyên gia chia sẻ.

Theo bác sĩ TS.BS Đỗ Thị Thu Hiền, bệnh "người cây" mang tính di truyền nên không có biện pháp để ngăn ngừa. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh hoặc bị rối loạn da hiếm gặp thì nên đi khám chuyên khoa để được phát hiện bệnh sớm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bệnh “người cây” nguy hiểm như thế nào?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.