Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bệnh nan y”, phải có “thuốc” đặc chủng

Hoàng Thu Vân| 20/01/2014 06:20

(HNM) - Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 33-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị nêu trên vào thời điểm hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng...


Trước hết phải khẳng định, Đảng và Nhà nước ta dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác đấu tranh PCTN và coi đây là một trong những thách thức lớn, tác động trực tiếp đến sự sống còn của hệ thống chính trị. Từ nhận thức đó, năm 2003 Việt Nam đã tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Tiếp đó, ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn và Công ước về chống tham nhũng có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18-9-2009. Đây là bước tiến quan trọng của chúng ta trong quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trước cộng đồng quốc tế đối với cuộc chiến của toàn cầu nhằm đấu tranh PCTN.

Thực hiện Công ước, những năm qua Việt Nam đã tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN nhằm đáp ứng yêu cầu của Công ước và phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam, như sửa đổi, bổ sung các luật thanh tra, khiếu nại, tố cáo, hình sự... Đặc biệt, Việt Nam đã sửa đổi Luật PCTN vào năm 2012, đồng thời ban hành các văn bản quy định về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN; về việc tặng quà, nhận quà tặng; về việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức... Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều chương trình, đề án về PCTN; triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước và pháp luật về PCTN. Việc phối hợp, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về PCTN đã được chú trọng và từng bước cải thiện. Các cơ quan, tổ chức có chức năng về PCTN được thành lập và có quy chế phối hợp công tác trong trao đổi, cung cấp thông tin phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Vai trò, trách nhiệm của công dân và các tổ chức, đoàn thể xã hội trong PCTN từng bước được phát huy...

Trong công tác PCTN, việc bắt buộc phải kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là một giải pháp quan trọng nhằm phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Trên thực tế, vấn đề này đã được quy định trong Luật PCTN từ năm 2005. Tuy nhiên, tổng kết 5 năm thực hiện Luật PCTN thì việc kê khai tài sản được đánh giá là giải pháp ít hiệu quả. Và năm 2012, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này đã tiếp tục đưa vào khá nhiều quy định mới về minh bạch tài sản, thu nhập. Song mới đây nhất, tại kỳ họp thứ sáu Quốc hội khóa XIII diễn ra vào cuối năm 2013, trong khi báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN cho biết có thêm hàng trăm nghìn người kê khai tài sản, thu nhập thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lại nhận định: Chưa có cơ chế khả thi để kiểm soát tính chính xác của việc kê khai tài sản; chưa có biện pháp xử lý đối với tài sản có giá trị lớn tăng lên bất thường mà người kê khai không chứng minh được tính minh bạch, hợp pháp của tài sản tăng thêm... Nói cách khác thì việc kê khai tài sản còn nặng tính hình thức và chưa được thực hiện nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về kê khai tài sản cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một quan chức của Cục PCTN (thuộc Thanh tra Chính phủ) - cơ quan được giao trách nhiệm "thụ lý" công tác kê khai tài sản của cán bộ, công chức, viên chức ở tất cả các bộ, ngành, địa phương theo Luật PCTN - trả lời báo chí: Cho đến nay chưa phát hiện được một trường hợp tham nhũng nào qua kê khai tài sản; việc kê khai tài sản những năm qua hiệu quả rất thấp. Vị cán bộ này cho biết thêm, theo chế định cũ về vấn đề kê khai tài sản thì Thanh tra Chính phủ hằng năm chỉ nhận và tổng hợp báo cáo từ các địa phương, bộ, ngành về số lượng cán bộ, công chức, viên chức kê khai; về tình hình kê khai nói chung. Còn nội hàm các kê khai như thế nào do cơ quan, tổ chức, địa phương, bộ, ngành nắm; họ không có nhiệm vụ phải báo cáo Thanh tra Chính phủ.

Biện pháp kê khai tài sản được đánh giá là khâu trọng yếu trong công tác PCTN. Đích đến cuối cùng của hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng là nhằm tư lợi tài sản, tiền bạc. Thông qua kê khai tài sản và giám sát hiệu quả việc kê khai tài sản, nếu tất cả đều minh bạch, trung thực, rõ ràng về nguồn gốc, không có những sự bất thường, đầy nghi vấn thì các hành vi tham nhũng, tiêu cực cũng khó có "đất" tồn tại để "bám rễ" và phát triển. Song việc kê khai thực hiện chiếu lệ, cho có, cho xong; kết quả kê khai cho vào ngăn kéo, bỏ tủ; không ai quan tâm xem xét việc kê khai như thế nào, đã chuẩn xác, đã đúng, đã đủ chưa… rồi cũng không có người kiểm tra, giám sát, thanh tra, chịu trách nhiệm thì biện pháp này không thể phát huy tác dụng trong công tác PCTN. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu dẫn chứng: "Thời gian qua có nhiều trường hợp lãnh đạo các DN nhà nước, DN hoạt động trong lĩnh vực công ích được nhận lương hàng tỷ đồng/năm, có nơi đến 2,6 tỷ đồng/người/năm và kéo dài nhiều năm nhưng qua công tác kê khai, minh bạch tài sản không phát hiện được. Điều đó cho thấy tính hình thức của biện pháp phòng ngừa tham nhũng này". Còn chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Jairo Acuna Alfaro đánh giá: "Nếu chỉ xét tiền lương không thôi, tôi có thể thấy rất nhiều quan chức đang sống trong điều kiện vượt xa mức lương chính thức". Thế nên, được phân công, bố trí ở những cương vị công tác nhất định, dù hưởng lương nhà nước, dù hằng năm vẫn kê khai tài sản đều đặn như "đến hẹn lại lên" nhưng vẫn có người sẵn sàng bỏ ra hơn chục tỷ đồng để mua nhà cho người tình; có người mang 500.000 USD đi "nhờ vả" giúp đỡ dễ như đi mua mớ rau ngoài chợ; rồi lại có những "cô chiêu, cậu ấm" mới chỉ là con quan chức thường thường bậc trung đã dễ dàng trở thành chủ nhân nhiều ngôi nhà tiền tỷ ở Hà Nội để tiện đi lại, sinh hoạt trong những năm đeo đuổi tấm bằng đại học… Ấy là những khối tài sản tiền bạc mà những người làm ăn chân chính nằm mơ cũng không thấy dù có chấp nhận cả đời làm công bộc chỉ "uống nước lã" và "hít khí trời". Ấy cũng là con đường tất yếu dẫn tới những vụ việc đình đám được phát hiện trong thời gian vừa qua như nguyên kế toán trưởng Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam phạm tội tham ô tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước khoảng 1.800 tỷ đồng; vụ sai phạm tại Công ty cho thuê tài chính II - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây thiệt hại cho Nhà nước ước tính trên 4.000 tỷ đồng; vụ vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng...

Như vậy, có thể thấy, trong bối cảnh như đánh giá của Quốc hội là "Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; công tác phát hiện tham nhũng còn yếu...", việc Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 33-CT/TƯ là đặc biệt cần thiết, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN. Đây là công việc được xác định là rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải kiên trì thực hiện, tiến hành đồng bộ, toàn diện, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó triển khai nghiêm túc việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản được coi là giải pháp căn bản để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, từng bước làm trong sạch đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, củng cố sức mạnh của toàn hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, Chỉ thị 33-CT/TƯ của Bộ Chính trị cũng nhằm hoàn thiện và thúc đẩy đồng bộ việc triển khai các cơ chế, chính sách trong PCTN, đặc biệt là nêu lên những việc cần phải làm ngay để bảo đảm cho các quy định đi vào cuộc sống với sự huy động các cấp ủy đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và toàn xã hội vào cuộc. Và cũng cần nhấn mạnh, PCTN cũng là một yêu cầu, một nội dung lớn của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Bệnh nan y”, phải có “thuốc” đặc chủng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.