(HNM) - Bệnh do liên cầu khuẩn (LCK) ở lợn do vi khuẩn Gram gây nên. Bệnh có khả năng lây lan sang người gây hậu quả nghiêm trọng. Chi cục Thú y Hà Nội hướng dẫn cách nhận biết triệu chứng và các biện pháp phòng trị bệnh do LCK ở lợn như sau:
Triệu chứng: Lợn ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh do LCK. Tuy nhiên, khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con thường cao hơn lợn đã trưởng thành. Các đường lây nhiễm như: Lợn con có thể bị nhiễm khuẩn từ lợn nái; nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nhau trong đàn giữa lợn khỏe và lợn bệnh; qua đường tiêu hóa, qua thức ăn, nước uống, qua vận chuyển và qua đường sinh dục…
Vi khuẩn cư trú trong cơ thể lợn có thể gây bệnh khi gặp các điều kiện thuận lợi làm cơ thể vật chủ suy yếu; đặc biệt, trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác trong đó có bệnh do vi rút.
Triệu chứng lợn bệnh có thể xảy ra ở dạng quá cấp, cấp tính hoặc mạn tính; trường hợp lợn bệnh quá cấp có thể bị chết nhanh mà chưa xuất hiện các triệu chứng điển hình của bệnh. Bệnh cấp tính với các biểu hiện, lợn sốt có thể lên tới 42oC, bỏ ăn, giảm vận động… Người tiếp xúc với lợn bệnh hoặc trực tiếp ăn thịt lợn bệnh chưa qua nấu chín sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao.
Biện pháp phòng trị: Chủ động phòng bệnh LCK bằng vắc xin tiêm trên lợn và tiêm bằng vắc xin Donoban 10. Đây là vắc xin phòng được cùng lúc 6 bệnh hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp. Thực hiện tốt vệ sinh cơ giới hằng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng Vikol, Haniodine, Halamit… trong chuồng trại, khu vực nuôi, xung quanh chuồng nuôi; nên phun trên diện rộng để hạn chế mầm bệnh xâm nhập vào chuồng trại. Thực hiện tốt việc chăm sóc nuôi dưỡng hằng ngày, bổ sung các loại khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho con vật. Thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ theo quy định của Luật Thú y. Kịp thời phát hiện lợn bệnh để có biện pháp cách ly và phòng trị bệnh, không bán chạy và giết mổ lợn. Báo ngay cán bộ thú y để kiểm tra và có biện pháp phòng, chống bệnh phát sinh thành dịch.
Trường hợp lợn bệnh cần sớm cách ly và sử dụng một số loại kháng sinh đặc hiệu để trị như Penicilin, Kanamexin, Hamoxilin LA… kết hợp với các loại thuốc bổ trợ tiêm cho đàn lợn có thể giúp hạn chế bệnh phát triển. Đồng thời, cần thực hiện tốt khâu chăm sóc hộ lý và các biện pháp phòng sẽ ngăn chặn bệnh LCK.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.