(HNMO) - Bệnh cúm mùa thường lành tính, nhưng với những trường hợp có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch thì cần được theo dõi chặt chẽ, bởi có thể biến chứng dẫn đến tử vong.
Thời gian gần đây, tại một số địa phương, số bệnh nhân bị cúm mùa (hay còn gọi là cúm A/H1N1) có xu hướng gia tăng; trong đó có trường hợp bị biến chứng nặng. Tại Bệnh viện Bạch Mai, 7 bệnh nhân mắc bệnh cúm trong tình trạng nặng phải nhập viện. Đáng chú ý, bệnh viện tiếp nhận hai bệnh nhân người Hà Nội mắc cúm mùa ở tình trạng nguy kịch.
Một bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (ảnh: Internet) |
Trong đó, một bệnh nhân nam 64 tuổi, ở thị xã Sơn Tây, được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất nhưng tiên lượng sống của bệnh nhân rất dè dặt.
Một bệnh nhân khác cũng là nam giới, 48 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, xuất hiện các triệu chứng thông thường của cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Do nhập viện muộn nên bệnh nhân đã có biến chứng suy đa phủ tạng rồi nhanh chóng rơi vào nguy kịch.
Đây là những trường hợp điển hình của nhiễm cúm mùa trên nền bệnh mạn tính nhưng chủ quan không đi khám, chỉ khi bệnh diễn biến nặng gia đình mới đưa vào viện.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cúm mùa là loại cúm thường gặp ở Việt Nam, do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, bệnh cúm mùa có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân, bởi thời tiết vào thời điểm này thuận lợi phát sinh và phát triển bệnh.
Các biểu hiện của bệnh bao gồm: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho (thường là ho khan). Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và tự khỏi trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng và nhanh, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, những trường hợp bị bệnh mãn tính mắc cúm cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện và điều trị kịp thời.
Các chủng cúm thường gặp là cúm A (cúm A/H3N2, cúm A/H1N1), cúm B và cúm C. Tại Việt Nam lưu hành chủ yếu là cúm A và cúm B. Trong 10 năm gần đây, hằng năm, Việt Nam có khoảng 1-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, chủ yếu là cúm A và cúm B.
Ông Khổng Minh Tuấn chia sẻ, cúm mùa có thể được phòng ngừa bằng tiêm vắc xin. Nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ em dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ có thai, người suy giảm hệ miễn dịch, có các bệnh mãn tính... nên tiêm định kỳ hằng năm.
Bên cạnh đó, để phòng bệnh, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết, nếu cần phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
“Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.