Ùn ứ 1.000 tấn rác thải sinh hoạt tại thị xã Sơn Tây * Đề nghị bố trí tái định cư cho 120 hộ dân trong bán kính 500m (HNM) - Những ngày qua, tại xã Xuân Sơn (TX Sơn Tây) lại tái diễn cảnh người dân ngăn cản xe ô tô vận chuyển rác vào đổ tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn.
* Ùn ứ 1.000 tấn rác thải sinh hoạt tại thị xã Sơn Tây
* Đề nghị bố trí tái định cư cho 120 hộ dân trong bán kính 500m
(HNM) - Những ngày qua, tại xã Xuân Sơn (TX Sơn Tây) lại tái diễn cảnh người dân ngăn cản xe ô tô vận chuyển rác vào đổ tại Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Đáng nói, trước đó một năm, sự việc này cũng làm đau đầu các cơ quan chức năng cùng nhiều địa phương nhưng quá trình giải quyết gần như giậm chân tại chỗ. "Bệnh cũ" tái phát, trách nhiệm này thuộc chính quyền hay do ý thức người dân?
Người dân xã Xuân Sơn (TX Sơn Tây) dựng lán trại ngăn cản không cho xe chở rác vào khu xử lý rác. Ảnh: Đức Hải |
Cấm vận đổ rác, người dân bức xúc
Khu đất tái định cư phường Trung Hưng những ngày này phải gồng mình thực hiện một "nhiệm vụ bất khả kháng" là trở thành nơi tập kết tạm thời rác thải sinh hoạt của TX Sơn Tây. Dù chỉ trong ít ngày nhưng bãi tập kết rác này đã chứa đến 1.000 tấn. Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị (CPMT&CTĐT) Sơn Tây đã có những biện pháp xử lý nhưng những người dân sinh sống quanh đây vẫn ái ngại bởi mùi hôi thối nồng nặc. Phó Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Phan Thị Hảo cho biết, trung bình một ngày TX Sơn Tây "xuất" ra khoảng 80 tấn rác thải sinh hoạt, nếu tình trạng này không giải quyết kịp thời thì chỉ mấy ngày nữa, bãi rác tạm sẽ "phình" ra mà không được xử lý theo chuẩn, dẫn đến ô nhiễm môi trường là điều khó tránh khỏi. Cạnh đó, việc "cấm vận" tại bãi rác Xuân Sơn còn khiến hàng trăm tấn rác thải sinh hoạt hằng ngày ở các huyện lân cận như Đan Phượng, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì... cũng bị ùn ứ mà không thể vận chuyển đi xử lý được. Bà Nguyễn Thị Nga (phường Trung Hưng) than vãn: "Giữa cái nắng như đổ lửa thế này mà rác thải không được xử lý thì thật nguy hại đến môi trường và sức khỏe con người. Nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao".
Ngày 21-5, có mặt tại khu xử lý rác Xuân Sơn, PV Hànộimới quan sát thấy, ngay tại cổng ra vào của nhà máy và bãi rác, đông đảo người dân lập lán, túc trực, bày tỏ bức xúc vì ô nhiễm trong quá trình xử lý rác thải và sự chậm trễ trong quá trình thực hiện kiến nghị của người dân. "Rác từ nhiều địa phương tập trung về đây nhưng xử lý chưa tốt khiến mùi hôi thối bay xa, ảnh hưởng đến môi trường sống, nước sinh hoạt. Không chịu đựng nổi, chúng tôi phải tập trung người chặn xe, đề nghị chính quyền TX Sơn Tây giải quyết kiến nghị của người dân thì mới được đổ tiếp" - anh Bùi Phi Đạt, người dân thôn Xuân Khanh (xã Xuân Sơn) bức xúc. Ông Nguyễn Hoài Vân, thôn An Sơn (xã Xuân Sơn) cho biết, ở nơi ông sinh sống có 118 hộ dân sống trong vòng bán kính 500m phải "chịu trận". "Điều đáng nói, TX Sơn Tây và TP Hà Nội đã có chủ trương triển khai lập dự án di dời các hộ dân ra khỏi vùng ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bán kính 500m, kể từ hàng rào khu xử lý rác thải, nhưng nhà máy xử lý rác thải của Công ty Seraphin đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì?"- ông Vân băn khoăn. Theo kiến nghị của người dân gửi cơ quan chức năng thì cần "nhanh chóng tái định cư nơi ở khác đối với các hộ dân trong vòng bán kính 500m; những hộ dân còn lại trong xã phải được dùng nước sạch".
Rác tập kết tạm thời tại phường Trung Hưng (thị xã Sơn Tây) chờ xử lý. Ảnh: Hoàng Văn |
Các sở, ngành của TP Hà Nội cần khẩn trương vào cuộc
Đến thời điểm này, tái định cư là mối quan tâm hàng đầu của người dân xã Xuân Sơn. Ông Nguyễn Hoài Vân quả quyết: "Bãi rác ở lại thì chúng tôi phải đi và ngược lại!". Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TX Sơn Tây Nguyễn Quang Mạnh cho biết, tháng 11-2009, UBND TP Hà Nội đã giao UBND TX Sơn Tây làm chủ đầu tư lập bản đồ, giải phóng mặt bằng (GPMB) di dân ra khỏi phạm vi ảnh hưởng môi trường của Khu xử lý rác thải Xuân Sơn. Hiện nay, TX Sơn Tây đang trình các sở, ngành thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Mạnh, để sớm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng bị ảnh hưởng, rất cần các sở, ngành TP khẩn trương thẩm định, phê duyệt các hồ sơ liên quan để TX tiến hành các bước tiếp theo nhằm rút ngắn thời gian thực hiện. Được biết, đến nay TX đã hoàn thành đo đạc bản đồ vùng mở rộng; Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã thẩm định và ký duyệt. UBND TX đã giao trách nhiệm cho Phòng TN&MT lập hồ sơ thu hồi đất, Ban GPMB TX lập phương án tổng thể và dự toán GPMB, đồng thời thỏa thuận với Sở Quy hoạch và Kiến trúc địa điểm 2 khu tái định cư. Theo ông Mạnh, toàn bộ các dự án nêu trên sẽ được TX khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục trong tháng 5 này để trình UBND TP xem xét phê duyệt.
Trước mắt, UBND TX yêu cầu Công ty cổ phần Môi trường xanh Seraphin, Công ty CPMT&CTĐT Sơn Tây phải thường xuyên phun thuốc diệt ruồi, muỗi, khử trùng, tiêu độc xung quanh nhà máy và bãi rác; có biện pháp xử lý lượng rác thải đã được tập kết đúng quy trình, quy định, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn. Phòng Y tế TX tiếp tục tổ chức khám, chữa bệnh ban đầu và tiêu độc khử trùng. Đối với vấn đề lắp đặt nước sạch, UBND TX giao Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn nhân dân trình tự thủ tục, hồ sơ và ký hợp đồng cung cấp nước sạch ngay tại trụ sở UBND xã Xuân Sơn.
Rác thải sinh hoạt cần được xử lý là vấn đề đáng quan tâm của chính quyền và xã hội, vì vậy không thể để tình trạng người dân ngăn cản bãi đổ rác và chính quyền "bó tay", rồi để rác thải trôi nổi gây ô nhiễm môi trường. Qua sự việc này có thể thấy, công tác lập dự án khu tập kết và xử lý rác có thể chưa tính hoặc chưa lường hết những yếu tố tác động đến môi trường, đến người dân sinh sống quanh khu vực. Khi có sự cố diễn ra thì khắc phục hậu quả nửa vời. Trong khi đó, người dân đã có hành động tự phát, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự và đời sống xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.