(HNM) - Căng thẳng ở vùng Nagorno - Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia âm ỉ lâu nay đã bùng phát thành đụng độ quân sự, đe dọa an ninh vùng Kavkaz. Dù ngày 3-4, Azerbaijan bất ngờ quyết định đơn phương chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại đây nhưng đến ngày 4-4, giao tranh tiếp tục diễn ra.
Một máy bay trực thăng của quân đội Azebaijan bị bắn hạ trong vụ giao tranh ở Nagorno - Karabakh. |
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan Vagif Dargahly cho biết 3 quân nhân của họ bị đạn, pháo của Armenia sát hại, đồng thời tuyên bố Azerbaijan sẽ mở rộng diện giao tranh trên toàn khu vực biên giới và sử dụng tất cả các loại vũ khí hiện có để đáp trả.
Đụng độ trên diện rộng ở khu vực này nổ ra vào rạng sáng 2-4 khiến 33 binh sĩ thuộc cả hai bên thiệt mạng, đồng thời Azerbaijan và Armenia cáo buộc lẫn nhau có hành động quân sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn. Tổng thống Armenia Serzh Sargsyan cho rằng đây là cuộc giao tranh có quy mô lớn nhất kể từ khi hai nước đạt thỏa thuận ngừng bắn năm 1994. Nagorno - Karabakh là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người Armenia nên muốn sáp nhập vào Armenia.
Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994, khiến 30.000 người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người, chủ yếu là người Azerbaijan, phải đi lánh nạn. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của "Nhóm Minsk" thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây. Cũng kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Tuy nhiên, sự thù địch giữa hai nước còn bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa hơn. Trên thực tế, Armenia là một đồng minh trung thành của Nga. Gần đây, Yerevan đã từ chối một thỏa thuận liên kết với Liên minh Châu Âu (EU) mà nước này đã đàm phán kỹ lưỡng trong suốt 3 năm và chuyển sang đăng ký trở thành thành viên của Liên minh Thuế quan do Nga dẫn dắt. Các căn cứ quân sự của Nga vẫn còn hiện diện trên lãnh thổ Armenia cho tới năm 2043 và binh sĩ Nga hiện vẫn đang bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Azerbaijan giàu năng lượng, từng có mức chi tiêu quốc phòng vượt toàn bộ ngân sách nhà nước của Armenia.
Azerbaijan nhiều lần đe dọa sử dụng vũ lực tại Nagorno - Karabakh nếu đàm phán thất bại. Trước động thái này của Baku, Nga tuyên bố có thể đè bẹp bất kỳ cuộc tấn công nào, được cho là sự ám chỉ khả năng sẽ tham chiến ủng hộ Armenia. Trong khi Mátxcơva bóng gió việc "có thế lực thứ ba" đứng đằng sau giật dây cuộc xung đột Azerbaijan - Armenia thì Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh chủ chốt của Baku tuyên bố ủng hộ Azerbaijan đến cùng trong cuộc đối đầu với Armenia như một cách gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Ngày 2-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ilham Aliyev để chia sẻ mất mát và bày tỏ sự ủng hộ đối với Azerbaijan. Ankara cũng lên án Yerevan về các vụ tấn công tại khu vực Nagorno - Karabakh và hối thúc Armenia thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn.
Ý thức rõ hiểm họa xung đột tại đây có thể leo thang thành chiến tranh giữa hai nước, ngay sau khi giao tranh diễn ra tại khu vực tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan, cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng lên án việc bùng phát giao tranh và kêu gọi các bên kiềm chế. Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi cả hai bên kiềm chế và ngừng bắn ngay lập tức. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu điện đàm với những người đồng cấp ở Armenia và Azerbaijan, thúc giục giảm căng thẳng. Tại Mỹ, Phó Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp riêng với Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan và lãnh đạo Armenia, Serzh Sarkisian, ở thủ đô Washington, nhằm kêu gọi một giải pháp hòa bình.
Các nhà phân tích lo ngại rằng nếu Armenia và Azerbaijan xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện thì sẽ đẩy cả khu vực vào bất ổn trong bối cảnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những đồng minh thân cận của Yerevan và Baku, cũng đang trong mối quan hệ căng thẳng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.