(HNM) - Trong hành trình phát triển, duy trì vị thế dẫn đầu của thể thao Thủ đô, luôn có dấu ấn của những huấn luyện viên yêu nghề, giỏi nghề, chấp nhận xa nhà biền biệt, dành trọn tâm huyết và kinh nghiệm để truyền thụ kiến thức, chăm sóc, ươm mầm tài năng trưởng thành. Huấn luyện viên điền kinh Hà Nội Nguyễn Chí Đông là một người thầy như vậy...
Dấu ấn sau mỗi thành công
18 tuổi, vượt qua “tượng đài” Dương Văn Thái ở nội dung chạy cự ly 800m để giành Huy chương vàng môn điền kinh Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 ngay ở lần “trình làng” đầu tiên, vận động viên Trần Văn Đảng khiến cho không ít dân trong nghề ngỡ ngàng, dò hỏi “trò của ai mà hay vậy”. Từ đó đến nay, 4 năm liên tiếp, vận động viên Trần Văn Đảng luôn duy trì ở nhóm dẫn đầu tại các kỳ giải vô địch điền kinh quốc gia, đặc biệt là giành Huy chương vàng cả 2 nội dung chạy 800m và 1.500m của kỳ giải năm 2020 và năm 2021. Hiện tại, Trần Văn Đảng là ứng viên được kỳ vọng giành huy chương ở SEA Games 31 của điền kinh Việt Nam. Vận động viên Trần Văn Đảng chia sẻ: “Không có thầy Nguyễn Chí Đông, tôi khó có được thành công ngày hôm nay. Trong từng bước đường thành công của tôi, luôn có dấu ấn của thầy”.
7 năm được huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông huấn luyện, khó có thể kể hết những kỷ niệm gắn bó giữa Trần Văn Đảng và người thầy của mình. “Nhớ nhất là khi chúng tôi tập luyện dài hạn tại Trung Quốc, suốt từ năm 2015 đến năm 2018. Thời tiết giá lạnh, xa nhà triền miên, chỉ số chuyên môn rất tốt, nhưng không được về nước thi đấu, nhóm chúng tôi khó tránh khỏi vấn đề tâm lý. Những lúc ấy, luôn có thầy đồng hành, chia sẻ, động viên, giải tỏa khúc mắc. Chính nhờ giai đoạn “ém quân” đó mà chúng tôi đã có kết quả xuất sắc tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018, rồi duy trì vị thế liên tiếp từ đó đến nay”, vận động viên Trần Văn Đảng cho hay.
Góp công huấn luyện nhiều vận động viên giành thành tích cao của thầy Nguyễn Chí Đông còn kể đến như: Phạm Bình Linh, Vũ Hoàng, Nguyễn Tuấn Anh, Trần Văn Đảng là nhóm 4 vận động viên giành Huy chương vàng chạy nội dung 4x8000m môn điền kinh Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2019. Từng gắn bó lâu năm với công tác quản lý và chuyên môn của Bộ môn Điền kinh Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao Hà Nội Lại Phúc Lộc cho biết: “Ở những môn thể thao Olympic cơ bản như điền kinh, phát hiện được tài năng đã khó, đào tạo được tài năng ấy vươn tầm đỉnh cao càng khó hơn, đòi hỏi bản lĩnh, sự kiên trì, bền bỉ trong đầu tư, sự chăm bẵm, gắn bó chặt chẽ giữa thầy và trò”.
Trò về thì thầy về, trò ở thì thầy ở
Không nói nhiều về sự hy sinh của những người thầy luôn âm thầm hỗ trợ phía sau thành công của mỗi vận động viên, huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông chia sẻ: “Bản thân tôi trưởng thành từ một vận động viên, được thầy Bùi Lương - một người thầy tuyệt vời, giàu tâm huyết của điền kinh Việt Nam - huấn luyện. Chính vì vậy, khi trở thành một huấn luyện viên, tôi luôn tâm niệm thực hiện đúng nguyên tắc thầy Bùi Lương đã đồng hành với chúng tôi: “Trò về thì thầy về, trò ở thì thầy ở””.
Nguyên tắc ấy nói ra thì đơn giản, nhưng hàm ý rất rõ ràng, trong quá trình tập huấn và thi đấu, người huấn luyện viên phải luôn đồng hành, chăm sóc vận động viên, cho dù đó là những chuyến tập huấn kéo dài 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, thậm chí 3-4 năm. Khi ấy, người thầy phải thực sự đa năng: Biết quản lý tốt, hiểu rõ tâm - sinh lý lứa tuổi, nắm chắc kiến thức về dinh dưỡng, biết cách tổ chức giáo án linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng vận động viên và đặc biệt, phải tự trau dồi những kiến thức phổ thông về y tế trong việc đề phòng tình huống bị chấn thương, biết xử trí những liệu pháp cơ bản trong chăm sóc, điều trị, nếu chấn thương nhỏ xảy ra…
Huấn luyện viên Nguyễn Chí Đông tâm sự: “Khi còn là vận động viên, chúng tôi đã trải qua các đợt tập huấn ở nhiều tỉnh thuộc Trung Quốc, nơi nào cũng lạnh, có khi đến -7 độ C. Khi ấy, mỗi ngày chúng tôi lại mặc từ 4 đến 5 lớp áo, chạy 3-4 tiếng ngoài đường, chân tay sưng, nứt nẻ nhưng lại được luyện rèn ý chí, tinh thần thép, được thử thách về sức mạnh con người, bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Trải qua tất cả những điều đó, khi làm huấn luyện viên, tôi hiểu hơn sự vất vả của vận động viên, kịp thời ghi nhận sự tiến bộ, nắm bắt tâm lý, tình cảm của các em”.
Gần 30 năm gắn bó cùng điền kinh Hà Nội, 14 năm làm huấn luyện viên, Nguyễn Chí Đông luôn là một người thầy gần gũi, như khẳng định của học trò Trần Văn Đảng: “Khi chúng tôi chạy thả lỏng trước khi kết thúc mỗi buổi tập, thầy thường chạy cùng từ 3 đến 4 cây số để đồng hành. Sau mỗi buổi tập, thầy pha nước chanh ấm, thậm chí “bỏ tiền túi” mua thêm thuốc bổ, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho chúng tôi. Thầy sống rất tình cảm, công bằng, sẵn sàng chia sẻ mọi bài học, kinh nghiệm”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.