Xã hội

Bền bỉ kết nối nhịp cầu an sinh

Hà Hiền 04/03/2024 - 06:45

Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ nữ công tác tại cơ quan giám định bảo hiểm y tế, nữ hội viên Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Hà Nội luôn bền bỉ kết nối nhịp cầu an sinh bằng cả tấm lòng và trách nhiệm. Những việc làm ý nghĩa của họ góp phần mang đến niềm vui, điểm tựa vững chắc cho không ít người, gia đình gặp khó.

hoi-chu-thap-do.jpg
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Cầu Giấy Bùi Lan Phương (thứ hai từ trái sang) trao tặng bò cho một hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hết lòng vì người gặp khó

Do hoàn cảnh khó khăn, bà Nguyễn Thị Chắm, ở cụm 7, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) phải mưu sinh bằng nghề “đồng nát”. Song bởi đã hết tuổi lao động, sức khỏe giảm dần, ngày đi làm được, ngày không, cuộc sống của bà Chắm vẫn thiếu trước, hụt sau. “Thấy bà Chắm sống trong ngôi nhà tuềnh toàng, tôi không khỏi băn khoăn và thôi thúc bản thân phải làm gì đó giúp bà”, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập Thế Thị Hồng Thắm tâm sự.

Suy nghĩ đi liền với hành động, nữ chủ tịch Hội cùng các hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập đã huy động nguồn lực xã hội để giúp đỡ bà Chắm với mức 500.000 đồng/tháng. Số tiền tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để bà Chắm mua thêm mớ rau, lạng thịt cho những bữa ăn thường nhật.

Ngoài trường hợp nêu trên, bà Thế Thị Hồng Thắm còn cùng tập thể Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập và các nhà hảo tâm đang trợ giúp thường xuyên bằng tiền mặt cho hơn 10 trường hợp khó khăn tại xã Tân Lập, đồng thời hỗ trợ về nhiều mặt cho hàng nghìn lượt người trên địa bàn xã và nhiều địa phương khác. Riêng năm 2023 vừa qua, nguồn lực trợ giúp thông qua Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập đạt trị giá hơn 500 triệu đồng.

Không chỉ ghi những dấu ấn đậm nét trên hành trình trợ giúp nhân đạo, bà Hồng Thắm được đánh giá cao bởi tinh thần làm việc tận tâm, sáng tạo. Dưới sự chèo lái khéo léo của bà, Hội Chữ thập đỏ xã Tân Lập là đơn vị cấp cơ sở hiếm hoi của thành phố có đội tình nguyện chữ thập đỏ. Đây là lực lượng xung kích, sẵn sàng có mặt bất cứ lúc nào, đi đến bất cứ đâu khi hội cần đến sự đóng góp của họ.

Cũng nhờ tinh thần làm việc tận tình, sáng tạo, nhiều nữ cán bộ Hội Chữ thập đỏ ở cơ sở được ví như những “nhịp cầu” an sinh, thường xuyên đưa nguồn lực xã hội đến với người gặp khó. Có thể kể đến Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Nguyễn Thị Điệp với sáng kiến “Biến rác thải nhựa thành tiền”; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Thùy cùng nhóm cơm “Kết nối yêu thương” trao tặng hàng trăm suất cơm nghĩa tình tới nhiều địa chỉ… Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu đánh giá, trong quá trình hoạt động, đội ngũ nữ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thường có cách ứng xử mềm dẻo, xử lý tình huống linh hoạt nên đạt hiệu quả cao.

Thầm lặng cống hiến

Khác với những người làm công tác nhân đạo, từ thiện, vai trò cầu nối an sinh của những nữ giám định viên bảo hiểm y tế không dễ nhận diện. Bởi, công việc của họ diễn ra thầm lặng, không phải ai cũng biết, nhưng kết quả mang lại vô cùng lớn lao.

Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tám cho hay, ngành hiện có 156 giám định viên bảo hiểm y tế, trong đó có nhiều giám định viên nữ. Công việc của họ rất vất vả, nhiều áp lực khi Hà Nội tập trung đông bệnh nhân có bảo hiểm y tế nhất cả nước. Trung bình mỗi tháng, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho hơn 10 triệu lượt người, tương ứng với hàng chục nghìn lượt hồ sơ bệnh án cần thẩm định mỗi ngày.

Khi thẩm định hồ sơ, giám định viên phải xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết, làm căn cứ để các cơ quan chức năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh đúng người, đúng bệnh, nhanh chóng, kịp thời. Nếu sơ suất, quyền lợi của người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng hoặc nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế có thể bị lạm dụng, trục lợi.

Để hoàn thành tốt vai trò đưa chính sách bảo hiểm y tế đến với từng đối tượng thụ hưởng, các nữ giám định viên bảo hiểm y tế thành phố Hà Nội đã nỗ lực hết mình. Giám định viên Vũ Thị Hảo, Phòng Giám định Bảo hiểm y tế 1 (Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội) chia sẻ: “Mọi áp lực công việc dường như được giảm tải mỗi khi chúng tôi chứng kiến những bệnh nhân đứng trước lằn ranh sinh tử có cơ hội nối dài sự sống nhờ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả phần lớn chi phí điều trị”.

Thực tế cho thấy, công việc của những nữ bác sĩ không mặc áo blouse trắng nói riêng, đội ngũ giám định bảo hiểm nói chung góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh cho người dân thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Ngoài ra, năm 2023 vừa qua, căn cứ vào kết quả giám định, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã từ chối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền hơn 150 tỷ đồng do các cơ sở y tế áp dụng sai, chi sai...

Qua những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ một điều, lực lượng nữ cán bộ giám định viên, hội viên Chữ thập đỏ luôn nỗ lực hết mình, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển an sinh của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bỉ kết nối nhịp cầu an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.