Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bê-xlan, một bi kịch nhân văn

ANHTHU| 05/09/2004 09:27

Không chỉ riêng nước Nga mà có lẽ đại bộ phận thế giới đã bị chấn động bởi những gì diễn ra tại thành phố bé nhỏ Bê-xlan thuộc nước Cộng hòa tự trị Bắc Ô-xê-ti-a mà trước đây không mấy ai để ý tới. Vụ khủng bố có lẽ là lớn nhất của năm 2004 đã kết thúc với những mất mát không nhỏ về người và của. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn lại là, phải làm sao đây để tấn thảm kịch Bê-xlan không làm dấy lên một làn sóng bạo lực mới ở khu vực Bắc Cáp-ca-dơ?

Nỗi kinh hoàng của các em học sinh

Không chỉ riêng nước Nga mà có lẽ đại bộ phận thế giới đã bị chấn động bởi những gì diễn ra tại thành phố bé nhỏ Bê-xlan thuộc nước Cộng hòa tự trị Bắc Ô-xê-ti-a mà trước đây không mấy ai để ý tới. Vụ khủng bố có lẽ là lớn nhất của năm 2004 đã kết thúc với những mất mát không nhỏ về người và của. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn lại là, phải làm sao đây để tấn thảm kịch Bê-xlan không làm dấy lên một làn sóng bạo lực mới ở khu vực Bắc Cáp-ca-dơ?

Những tên khủng bố (khoảng 30 tên, trong đó có cả tay súng da đen và công dân của 9 nước A-rập) đã bước qua ranh giới cuối cùng của nhân tính khi chọn những đứa trẻ vô tội trong Ngày Tri thức (1-9) của nước Nga làm con tin cho những tham vọng cuồng tín của mình. Những yêu cầu mà chúng đưa ra làm điều kiện để thả các con tin hoàn toàn không có tính khả thi. Điện Krem-li lúc đầu rất muốn tìm một phương thức mang tính chính trị để gỡ rối nhưng đều vô hiệu, trừ một ngoại lệ duy nhất: Cựu Tổng thống nước Cộng hòa tự trị In-gu-se-ti-a, Ru-xlan A-u-sốp, đã liều mình vào gặp bọn khủng bố và đã cứu được 26 con tin ra ngoài. Lý do khá đơn giản: trong bọn khủng bố có một tên vốn là cận vệ cũ của ông! Những nhân vật nổi tiếng khác, như bác sĩ nhi khoa Lê-ô-nít Rô-san chẳng hạn, cũng đã không thuyết phục được bọn khủng bố thả thêm con tin.

Bọn khủng bố ở Bê-xlan đã tỏ ra lì lợm hơn bao giờ hết và có vẻ như không sợ bất cứ một kết cục đen tối nào. Còn các con tin, gần ba ngày liền bị cầm giữ trong những điều kiện vô cùng căng thẳng, đói ăn và khát uống dưới mũi súng của những tên khủng bố, nhiều người, nhất là trẻ em, gần như đã kiệt sức. Hàng chục con tin bị chính bọn khủng bố bắn dần bắn mòn để thị uy. Cũng chính bọn khủng bố đã gây nên sự cố mở đầu cho cuộc đấu súng dữ dội giữa lực lượng đặc nhiệm với bọn khủng bố đêm 3-9. Cảnh đạn lạc đã làm không ít người vô tội thiệt mạng. Bọn khủng bố trong cơn tuyệt vọng một mất một còn đã xối đạn vào những con tin đang bỏ chạy tứ tung...

Tuy thế, cũng cần phải thấy rằng, Mát-xcơ-va có lẽ không còn sự chọn lựa nào khác ngoài cách đã làm, mặc dầu số nạn nhân bị tử thương lên tới hơn 300. Hầu như tất cả các chính phủ và các tổ chức quốc tế đều tỏ ra thông cảm với Điện Krem-li trong cách xử lý cuộc khủng hoảng con tin khủng khiếp này. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hoàn toàn đứng về phía chính phủ Nga. Ngay cả nguyên thủ quốc gia của nhiều nước Hồi giáo cũng bày tỏ sự ủng hộ với Mát-xcơ-va và tuyên bố, những việc làm trái lương tâm của bọn khủng bố ở Bê-xlan hoàn toàn không có gì chung đụng với những giáo lý lành mạnh của đạo Hồi. Giáo chủ đạo Hồi ở Che-sni-a, ông A-khơ-mét Hát-gi Sa-may-ép, tuyên bố: “Những kẻ tội phạm khủng bố đã chiếm trường học và bắt trẻ em làm con tin, thêm một lần bộc lộ gương mặt dã thú của chúng. Đó là những kẻ không có tín ngưỡng, đó không phải là những tín đồ Hồi giáo. Đạo Hồi - đó là một tôn giáo vĩ đại, kêu gọi làm điều thiện cho mọi người và mọi dân tộc. Tất cả những ai ít nhiều biết về đạo Hồi đều biết rằng, không thể sử dụng hai từ “Hồi giáo” và “khủng bố” cùng nhau”.

Nếu có cái nhìn thực tế và tử tế vào chuyện đã xảy ra tại Bê-xlan, cần phải cảm thấy mừng vì thật may, số người thoát nạn khỏi cái chết gần như chắc chắn trong tay nhóm khủng bố rất đông, gấp mấy lần những người không may thiệt mạng (theo một số nguồn tin, toàn bộ số con tin trong trường học có thể đã lên tới 1,5 nghìn người). Khu trường đã bị bọn khủng bố đặt mìn nhưng chúng đã không kịp điểm hỏa. 27 tên khủng bố đã bị tiêu diệt. Số còn lại đã bị bắt 3 tên, chỉ còn 1 tên đang bị truy bắtvà có rất ít cơ hội trốn thoát khỏi lãnh thổ Bắc Ô-xê-ti-a...

Tất nhiên, chiến thắng trước bọn khủng bố như thế khiến người ta khóc nhiều hơn cười. Đó thực sự là một bi kịch nhân văn. Một viễn cảnh không lấy gì làm vui vẻ đã mở ra: làm sao đây để tránh cho các trường học khác, các cơ sở công cộng khác ở nước Nga không bị dồn vào tình thế bi thảm như ở Bê-xlan? Thủ lĩnh của phong trào li khai Che-sni-a, A-xlan Ma-xkha-đốp, mới đây đã tuyên bố rằng thuộc hạ của y sẽ không chịu chỉ quậy phá trên lãnh thổ Che-sni-a mà sẽ còn “chuyển lửa” đi khắp cả nước Nga. Vụ hai máy bay TU mới bị tử nạn gần đây và mới nhất, thảm kịch Bê-xlan đã là dấu hiệu chứng tỏ Ma-xkha-đốp không nói suông.

Nguy hiểm hơn nữa, như tờ “Người bảo vệ” của Anh nhận xét, những vụ việc như ở Bê-xlan có thể làm tổn thương nặng nề mối quan hệ sắc tộc vốn đã rất mỏng manh ở Bắc Cáp-ca-dơ và cuối cùng sẽ dẫn tới những cuộc chiến tranh sắc tộc mới tại đây, không chỉ giữa người Nga với một bộ phận người Che-sni-a mà giữa các sắc tộc thiểu số đang cư trú tại đây. Tình hình càng trở nên nguy hiểm hơn vì đang tồn tại không ít vấn đề có thể dẫn tới những bùng nổ xã hội ở Bắc Cáp-ca-dơ. Tại Che-sni-a chẳng hạn, hiện có tới 80% số người thất nghiệp không biết lấy gì làm sinh kế. Đó chính là nguồn lực dồi dào để các thủ lĩnh khủng bố tìm kiếm thêm thủ hạ.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bê-xlan, một bi kịch nhân văn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.